TS. Cấn Văn Lực: 'Chuyển đổi số muốn nhanh không thể đi một mình'
(DNTO) - Theo ông Cấn Văn Lực, để doanh nghiệp và người dân có thể tích cực thụ hưởng lợi ích nhanh từ chuyển đổi số, thì cần sự đồng hành, cơ chế liên thông, tạo ra hệ sinh thái chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương.
Thời gian qua, cơ quan thuế đã có những hướng đi phù hợp về chuyển đổi số. Theo đó, thuế và hải quan đều đưa ra thông điệp về tiếp tục đẩy mạnh cải cách đổi mới, hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước, quyết liệt chuyển đổi số trong giai đoạn tiếp theo để cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ quan có liên quan nắm bắt, tin tưởng vào quá trình tạo thuận lợi.
Cụ thể, chia sẻ về kết quả nổi bật trong công tác chuyển đổi số ngành thuế đạt được, tại Diễn đàn "Chính sách thuế - Hải quan: Hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội", ngày 19/10, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, tính đến hết tháng 9/2022, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là 1,5 tỷ hóa đơn.
"Cùng với triển khai thành công hóa đơn điện tử, Tổng cục thuế đã hoàn thành việc triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, 99% doanh nghiệp trong tổng số hơn 870.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử...", ông Minh cho hay.
Để chuyển đổi số tối ưu nhằm bật dậy, phục hồi nhanh hơn trong bối cảnh mới, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, khuyến nghị, cho dù thuế và hải quan được coi là những ngành đi tiên phong trong chuyển đổi số nhưng các ngành không thể đi một mình, mà cần sự đồng hành của các bộ, ngành liên quan.
Đơn cử, tình trạng nhiều lần xe vận tải hàng hóa lên đến cửa khẩu để xuất khẩu thì phải xếp hàng dài chờ thông quan. Có lần chờ cả tuần tới 10 ngày, có lần cả tháng. Chi phí tăng lên, tổn thất rất nhiều...
Bởi vậy, rất cần sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các cơ quan nhà nước để doanh nghiệp giảm bớt được khó khăn. Đặc biệt là sự phối hợp thông qua công nghệ thông tin, với chuyển đổi số. Nếu có sự phối hợp giữa các bên và doanh nghiệp khai báo hàng hóa trước khi lên cửa khẩu, cơ quan chức năng thông tin tình trạng xe và hàng ở cửa khẩu, doanh nghiệp biết chừng thời gian nào được thông quan sẽ liệu thời gian chở hàng lên, giảm được tình trạng hàng ngàn xe chờ đợi không biết khi nào thông quan...
Đặc biệt, ông Lực nhấn mạnh, việc chia sẻ dữ liệu dân cư quốc gia phục vụ cho chuyển đổi số lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ cần được đẩy nhanh hơn nữa.
“Chúng tôi đã làm việc với Bộ Công an để bàn thảo việc chia sẻ dữ liệu dân cư và hướng đi là phải có cơ chế liên thông, tạo ra hệ sinh thái chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương. Cách làm là nên có một đơn vị đứng ra là cơ quan chủ trì cho nắm giữ và chia sẻ cơ sở dữ liệu, các đơn vị thực hiện vai trò vệ tinh hỗ trợ", ông Lực nhấn mạnh.
Theo đó, tư duy về mô hình một cửa cũng phải thay đổi theo hướng, doanh nghiệp và người dân không nhất thiết phải đến một cửa được ấn định sẵn mà có thể đến cửa nào cũng được.
“Thủ tục càng đơn giản càng tốt, thời gian thực hiện càng rút ngắn thì lợi ích mang lại cho các bên liên quan càng nhiều. Đó là điều hiển nhiên và hơn ai hết người dân và doanh nghiệp luôn mong chờ điều đó. Các doanh nghiệp, các hiệp hội, các chuyên gia khi nêu ý kiến luôn nhấn mạnh đến tinh thần “làm chính sách, thực thi chính sách, giải quyết vấn đề cho người dân và doanh nghiệp luôn phải đặt người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”, ông Lực nói.
Nhìn nhận về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay, để đảm bảo triển khai chuyển đổi số một cách đồng bộ, trong thời gian tới, ngành thuế sẽ đẩy mạnh xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp lý, hoàn thiện môi trường pháp lý.
Đồng thời, sẽ tiếp tục tham mưu các chính sách đơn giản hóa, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp nắm rõ, tạo thuận lợi cho quá trình thực thi. Ngành thuế dự kiến áp dụng trí tuệ nhân tạo, để tương tác tư vấn 24/7 hỗ trợ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, tạo thuận lợi nhất có thể cho hàng hóa, phương tiện xuất nhập khẩu, quá cảnh.
“Nhiệm vụ chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại”, ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.