TP.HCM nên chuyển chiến lược xét nghiệm, sớm cung cấp “oxy” cho doanh nghiệp
(DNTO) - Nên thay đổi cách xét nghiệm và truy vết F0 hiện nay để không gây suy kiệt cho lực lượng y tế. Phát huy truyền thống năng động sáng tạo, tạo bạo để mở cửa lại nền kinh tế.
Đây là ý kiến của các chuyên gia góp ý với lãnh đạo TP.HCM nhằm thực hiện chiến lược vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Nên chuyển chiến lược xét nghiệm
Theo nhiều chuyên gia, sau nhiều nỗ lực, thành phố đã có những kết quả đáng khích lệ ban đầu như đảm bảo tiêm vaccine, mô hình chăm sóc F0 tại nhà, đảm bảo cơ sở y tế, oxy, thuốc chữa trị cho F0…Nhờ đó, số ca tử vong đã giảm rõ rệt theo từng ngày. Tuy nhiên, thành phố nên chuyển chiến lược, không nên xét nghiệm diện rộng và truy vết F0 như hiện nay vì như vậy rất tốn kém, về lâu dài có thể làm suy kiệt đội ngũ y tế.
TP.HCM chỉ nên xét nghiệm những đối tượng ở những nơi có nguy cơ cao. Bởi giả sử có quét sạch F0 cũng chưa có gì đảm bảo Covid-19 sẽ không trở lại và đe dọa thành phố.
“Tập trung vào những bệnh nhân nào có triệu chứng nghi ngờ và những đối tượng người có nguy cơ cao như nhân viên y tế hoặc những người làm ở những khu gọi là giao thương như sân bay hay là nhà máy tập trung quá đông người thì mới tầm soát. Còn lại chúng ta không làm nữa vì chi phí rất là nhiều mà không có hiệu quả. Thế giới và tất cả các nước được chứng minh điều này” - PGS.TS - bác sỹ Vũ Minh Phúc nói.
Đồng quan điểm GS Trần Diệp Tuấn phân tích, TP.HCM đã không còn mục tiêu là “Zero F0”, vậy thì sau khi xét nghiệm “thần tốc” trên diện rộng để tìm ra F0 thì biện pháp tiếp theo sẽ làm gì, xử lý thế nào? Nếu xét nghiệm để bóc tách, chuyển F0 đi nơi khác để giữ khu dân cư xanh thì phải làm xét nghiệm với tần suất 3 ngày/lần, nghĩa là cứ phải làm hoài và rất tốn kém.
Vì thế, GS. Tuấn đề nghị cần tập trung nhân lực vào việc phủ vaccine: “Chúng ta chỉ làm những ca mà chúng ta nghi ngờ bị bệnh Covid-19. Nguồn lực của chúng ta phải xét nghiệm tập trung vào làm vaccine cho xong, tập trung tiêm vaccine cho người có nguy cơ cao, người trên 65 tuổi, 50 tuổi và tiếp tục nữa là toàn bộ dân số trên 18 tuổi”.
Còn bác sỹ Lê Trường Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, nếu muốn đẩy lùi dịch Covid-19 thì phải có biện pháp mới mang tính đột phá. Lợi thế của TP.HCM hiện nay là đã có một vũ khí rất lợi hại là vaccine và đã đạt thành quả khá tốt. Bác sỹ Lê Trường Giang đề nghị Thành phố cần sử dụng vũ khí thứ hai cũng rất quan trọng nhưng chưa được chú trọng nhiều, đó là thuốc điều trị.
“Đúng ra thông điệp bây giờ phải là Thuốc + Vaccine + 5K. Nó phải đi tới chỗ này, sử dụng hai vũ khí cùng một lượt là vaccine và thuốc để chúng ta nhanh chóng kiểm soát được dịch” - bác sỹ Lê Trường Giang nói.
Phát huy truyền thống để tạo đột phá
Theo đánh giá của các chuyên gia, thực tế hiện nay sức chịu đựng của xã hội gần như là đến hạn, đặc biệt nền kinh tế đã bị tổn thương nhiều và cần phải phục hồi sớm nếu không cực kỳ nguy hiểm. Vì thế, TP.HCM cần nhanh chóng thống nhất, từng bước mở dần, đảm bảo độ an toàn, quản lý rủi ro và tuyệt đối không chủ quan. Ngoài ra, thành phố cần chuẩn bị các chiến lược để chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, sống trong môi trường có Covid-19, cần phải chuẩn bị tâm thế, thói quen, phù hợp với điều kiện mới.
TS. Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright phân tích: Thành phố thay vì chống dịch bằng sự sợ hãi thì phải chống dịch bằng sự hiểu biết, bằng dữ liệu, thông tin… Trong bối cảnh độ phủ vaccine tại thành phố đã cao, biến thể Delta và các biến thể trong tương lai đã rất khác, nên những cách chống dịch như: Chỉ thị 15, 16, 19 đã không còn phù hợp và cần phải gỡ.
Về vấn đề kinh tế, TS. Vũ Thành Tự Anh khẳng định: “TP.HCM không thể không mở”. Nếu tiếp tục chống dịch như cách cũ thì sự mất mát về tốc độ tăng trưởng GDP so với GDP tiềm năng vào khoảng 8-10%, tức là khoảng 6 tỷ USD, tương đương 2% GDP cả nước và sẽ còn mất dài dài. Đặc biệt là nếu cứ đóng cửa thì doanh nghiệp sẽ kiệt quệ.
“Sự kiệt quệ này mà không cứu kịp doanh nghiệp chết và họ chết thì những năm tới nữa chúng ta không thể nói chuyện hồi phục được. Chúng ta cần cứu kịp thì doanh nghiệp có thể hồi phục, để quá muộn sẽ giống như một người mà không có oxy, cứu quá muộn thì chết” - TS. Vũ Thành Tự Anh nêu ý kiến.
Còn PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, truyền thống của thành phố là năng động sáng tạo, có nhiều đột phá, đổi mới và thành công trong lịch sử nên lãnh đạo thành phố cần mạnh mẽ đề xuất với Trung ương những gì chưa phù hợp.
Trước mắt, ông Trần Hoàng Ngân đề nghị Thành phố cần làm việc Trung ương để phân bổ vaccine tập trung vào những người đã đến hạn tiêm mũi 2; cần nâng cao năng lực y tế, nhân lực y tế, thuốc điều trị. Đặc biệt, TP.HCM cần phải sớm mở cửa và cần tận dụng 2 tuần thí điểm, tập dần, chuẩn bị các điều kiện mở cửa an toàn từ nay đến 30/9. Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, nhân dân thành phố cũng rất mong đợi việc “bình thường mới” sẽ sớm hơn kế hoạch của thành phố là 15/1/2022, có thể là trước dịp giáng sinh năm nay.
“TP.HCM nên mở cửa và mở cửa trên cơ sở an toàn, có nghĩa là chuẩn bị các điều kiện an toàn để phục vụ cho vấn đề mở cửa” - PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói.
TP.HCM dự kiến sẽ mở cửa lại các hoạt động kinh tế trên cơ sở kiểm soát rủi ro về dịch tễ và mức độ được bảo vệ của người dân căn cứ hai trụ cột là tốc độ tiêm vaccine và an toàn hệ thống y tế. Để làm được điều này, TP.HCM rất cần có hướng đi đúng đắn trong công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như có những bước nới lỏng, mở cửa thận trọng, chắc chắn, đảm bảo mở phải an toàn, an toàn mới mở, hài hoà giữa phòng chống dịch với các hoạt động kinh tế./.