Doanh nghiệp chủ động thay đổi mô hình kinh doanh để sống chung với dịch an toàn
(DNTO) - Covid-19 có thể sẽ là "phần tất yếu" của thế giới. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có chủ trương vừa mở cửa lại nền kinh tế, vừa sống chung an toàn với dịch. Bài toán đặt ra cho mỗi doanh nghiệp cũng phải tìm kiếm khả năng kinh doanh mới, cách thức quản trị mới để bám trụ trong môi trường biến đổi này.
Trước diễn biến dai dẳng của đại dịch, cùng với tiến trình tiêm vaccine đang được đẩy mạnh tại các vùng bùng phát dịch và nguy cơ cao, xét theo xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới, Chính phủ đã thay đổi cách tiếp cận, chiến lược phòng, chống dịch bệnh hiện nay và trong giai đoạn tới, đó là chủ động thích ứng, sống chung an toàn lâu dài với Covid-19.
Cùng với những trở ngại, thách thức, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, người lao động thay đổi tư duy, phương thức sản xuất kinh doanh, tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch trong nhà máy... để chủ động thích ứng và đảm bảo an toàn cho sản xuất.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Group cho hay, chỉ chờ lệnh “mở cửa” là khởi động ngay kế hoạch tái sản xuất. Ông Kỳ chia sẻ, từ tháng 5, công ty đã tận dụng thời gian nghỉ dịch để tập trung tái cấu trúc, thay đổi "diện mạo" hoàn toàn, hiện đang đi vào những bước hoàn thiện cuối cùng, đã hoàn tất chuyển đổi thành hệ thống “holdings” gồm 1 công ty mẹ và 4 công ty con.
“Chúng tôi đang thay đổi mô hình quản trị, đẩy mạnh kênh bán hàng online, phát triển thêm những ngành hàng mà trước đây mình chưa có cơ hội triển khai. Bên cạnh đó, giải quyết vấn đề hệ thống sản phẩm và điều chỉnh toàn bộ hệ thống điều hành, cắt giảm chi phí, xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính chặt chẽ. Lần quay trở lại này, Vietravel sẽ có một diện mạo mới chuyên nghiệp hơn, tinh gọn và hiệu quả hơn”, ông Kỳ nói.
Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc ở quận 7 (TP.HCM) cho biết: Khi TP.HCM đang dần mở cửa trở lại, doanh nghiệp đã lên phương án tuyển thêm lao động; chuẩn bị sẵn một dãy nhà xưởng riêng biệt với những nhà xưởng đang hoạt động cho lao động mới. Khu này tách riêng để công ty chủ động kiểm soát dịch bệnh. Hiện hơn 90% lao động làm việc “3 tại chỗ” của công ty đã tiêm vaccine mũi 2 được hơn 2 tuần.
“Hiện nay đơn hàng đang tăng nhanh nên công ty có chủ trương tuyển thêm lao động. Tuyển thêm công nhân nên công ty làm 1 phân xưởng độc lập cách ly với số công nhân cũ. Sau 3 tuần, số lao động mới này an toàn, không phát sinh ca bệnh thì công ty sẽ cho hòa nhập chung với lao động trong công ty. Việc này vừa đảm bảo giữ vững an toàn cho sản xuất và tạo cho anh, em tâm lý thoải mái” - ông Trí nói.
Chỉ đặt chỉ tiêu thực hiện 70% kế hoạch của năm nay, Công ty CP Tập đoàn Minh Phú có cách chuẩn bị nhân lực để duy trì sản xuất rất riêng sau giãn cách với kế hoạch “7 xanh” (xanh nhà máy, xanh công nhân, di chuyển xanh, gia đình xanh, nhà cung cấp xanh, vaccine xanh, y tế tại chỗ xanh).
"Để thực hiện thành công “7 xanh”, công ty chúng tôi đã cung cấp miễn phí cho người lao động, công nhân đầy đủ khẩu trang tiêu chuẩn N95, kính ngăn giọt bắn, nước muối 0,9%, nước uống ngâm tỏi, máy xông hơi, dầu sả, chanh, dầu gừng tại công ty và nhà máy", đại diện Công ty CP Tập đoàn Minh Phú cho hay.
Tương tự, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho hay, trước dự báo nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng thuỷ sản sẽ thiếu từ 20-30% và giá nguyên liệu sẽ tăng từ 10-20% trong những tháng cuối năm 2021, để khắc phục tình trạng này và không gián đoạn đơn hàng xuất khẩu, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đã linh hoạt "bẻ lái" sang đẩy mạnh chế biến thô như một sách lược trong bối cảnh thiếu lao động.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, chế biến thô, dù dẫn đến việc tiêu thụ hiện tại thấp hơn, nhưng là cách để chuẩn bị cho rủi ro khan hiếm nguyên liệu sắp tới và hạn chế hàng lỗi khi làm việc trong mùa dịch. Vì vậy, nếu sản xuất hàng chế biến sâu nhiều sẽ tăng tỷ lệ hàng có lỗi, tăng rủi ro. Đây cũng là lý do, công ty đi tới quyết định tập trung chế biến thô, sẵn sàng nguyên liệu cho chế biến tinh sau này.
"Bên cạnh đó, công đoạn chế biến thô nhanh gấp đôi chế biến tinh. Áp dụng mô hình này sẽ tăng sản lượng chế biến, góp phần để tôm nuôi không bị ùn ứ, hư hỏng", ông Lực nhận định.
Còn với ngành nhựa, để người lao động yên tâm ở lại sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19. Một số doanh nghiệp còn mở thêm 1 trung tâm y tế ngay chính trong nhà máy, đồng thời, tổ chức test nhanh cho nhân viên đều đặn hàng tuần để đảm bảo luôn có một lực lượng lao động "xanh".
"Doanh nghiệp đã chuẩn bị trang bị thêm cho mình mà trước đây không có, đó là xây dựng thêm trung tâm y tế của chính doanh nghiệp với đầy đủ trang thiết bị có nhân viên y tế được đào tạo để chăm sóc người nhiễm F0. Với doanh nghiệp xuất khẩu mùa này mới là mùa làm ăn để chuẩn bị cho Giáng sinh. Tất cả các nước châu Âu tập trung mua hàng từ tháng 7 và đến tháng 10 thì đóng cửa để phân phối", ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội nhựa TP Hồ Chí Minh cho biết.
Lên kịch bản sống chung với dịch, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) thông tin, nhiều thành viên của Hawa xác định đến 15/10 vẫn duy trì “3 tại chỗ”, cùng với tăng cường y tế tại chỗ. Củng cố y tế tại chỗ sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động sàng lọc nguồn lao động sạch trong quá trình sản xuất “3 tại chỗ” và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Do vậy Hawa đã tổ chức các hội thảo trực tuyến để phổ biến y tế tại chỗ cho các hội viên với sự hướng dẫn của các chuyên gia dịch tễ và các bác sĩ điều trị.
"Một số doanh nghiệp hội viên Hawa đã chủ động mua máy thở oxy dự phòng, thiết lập khu chăm sóc y tế riêng kết nối với y tế địa phương để tổ chức cách ly, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh trong khi chờ địa phương xử lý", ông Phương chia sẻ.
Có thể nói, việc từng bước nới lỏng giãn cách, khiến khát vọng được lấy lại đời sống bình thường để phục hồi sinh kế, làm ăn của mỗi doanh nghiệp, người dân bắt đầu nhen nhóm. Tuy nhiên ở góc độ chuyên gia, ông Vũ Tú Thành, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp thì chưa đủ, mà cần sự chung tay của Chính phủ và cơ quan chức năng.
"Bên cạnh nỗ lực của mỗi doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại nhằm sống chung với dịch, thì Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng cần có những giải pháp nhằm phân loại doanh nghiệp theo hướng đáp ứng yêu cầu về tiêu chí sản xuất xanh, từ đó tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp bị đuối trong bảng xếp hạng phân loại, để khi nền kinh tế mở cửa trở lại, họ có sự đồng đều, đáp ứng được các yêu cầu sản xuất xanh an toàn", ông Thành nhận định.