TP.HCM: Dự báo người ngoại tỉnh ở lại đón Tết tăng, nhưng thị trường mua sắm vẫn kém sôi động

(DNTO) - Đây là những dự báo được ngành công thương TP.HCM cùng các doanh nghiệp đầu ngành nêu ra trong hội nghị trực tuyến tuyến “TP.HCM đảm bảo nguồn hàng, giá cả ổn định”.
Việc giá thành nguyên vật liệu tăng dẫn đến sự lo lắng của cộng đồng về việc kéo theo giá các mặt hàng dịp Tết tăng cao. Nhận được sự hỗ trợ và chia sẻ về giá cả hàng Tết từ chính quyền và doanh nghiệp sản xuất cũng như phân phối là mong mỏi chung của nhiều người tiêu dùng.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết từ sau khi TP.HCM mở cửa trở lại đến nay, ngành công thương TP đã ghi nhận những tín hiệu tương đối tích cực từ thị trường.
Tháng 10, tổng doanh số bán buôn bán lẻ của TP chỉ khoảng 43.000 tỷ đồng, thì tháng 11 đã lên 55.000 tỷ đồng, tháng 12 dự kiến là hơn 66.000 tỷ đồng. Không khí chuẩn bị hàng Tết đều có những góc độ tiếp cận khác nhau.
Giám đốc Sở Công thương thông tin: "Ngành công thương chúng tôi đã làm việc với các tỉnh thông qua hệ thống kết nối cung cầu và với các doanh nghiệp bình ổn cũng như các doanh nghiệp chủ lực trong sản xuất và chuẩn bị hàng hóa Tết. Chúng tôi ghi nhận năm nay có hơn 19.000 tỷ đồng dành cho dự trữ hàng và phục vụ cho chương trình Tết, riêng chương trình hàng bình ổn với 80 doanh nghiệp tham gia thì đã có 7.000 tỷ đồng phục vụ cho chương trình này. So với năm 2021 thì số lượng không tăng so với năm trước nhưng vẫn đang ở mức ổn định. Chúng tôi đánh giá thị trường tiêu dùng Tết năm nay sẽ không sôi động như năm ngoái hay các năm trước nhưng vẫn ở mức tương đối".

Ngành công thương TP đã ghi nhận những tín hiệu tương đối tích cực từ thị trường. Ảnh:TL.
Đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Chủ tịch Hội, bà Lý Kim Chi chia sẻ rằng, tại các doanh nghiệp hiện nay không khí tất bật chuẩn bị Tết đang được tiến hành rất tốt, đầy khí thế, tất nhiên sẽ có hạn chế phần nào về sức tiêu thụ, về lượng hàng, nhưng doanh nghiệp vẫn sản xuất, vẫn dự trữ, vẫn trong tâm thế là chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết năm nay.
Có mặt trên thị trường lâu năm, trứng Ba Huân là một trong các thương hiệu chủ lực có mặt trên khắp các căn bếp Việt trong dịp Tết. Bà Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân, lạc quan cho rằng thời điểm này đã dự trữ được khoảng 90% nguồn hàng, và cam kết sẽ không để thiếu trứng trên các quầy hàng, phân phối.
Đại diện cho một trong những nhà cung cấp thị heo lớn nhất thị trường TP.HCM và cả nước, ông Phan Văn Dũng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết tại Vissan đến thời điểm này đã chuẩn bị một nguồn hàng tương đối đầy đủ.
Năm nay Vissan chuẩn bị cho ngành hàng thực phẩm tươi sống với sản lượng là 2.800 tấn, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ, mặt hàng thực phẩm chế biến là 4.200 tấn , tăng 6%. Với sản lượng này, chúng tôi cam kết là đủ cung ứng hàng cho người dân ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, Vissan cũng chuẩn bị nguồn thịt heo đông lạnh là 1.000 tấn, đóng gói thành 2 quy cách là 2kg/túi và 1kg/túi, dự trù cho trường hợp có biến động về nguồn thịt để đáp ứng nhu cầu kịp thời.

Mặc dù được dự báo sẽ có lượng lớn lao động ở lại đón Tết, ngành công thương vẫn cho rằng sức mua năm nay sẽ không tăng. Ảnh: TL.
Dự báo được tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, việc di chuyển về quê đón Tết của người dân gặp nhiều khó khăn, Sở Công thương và các doanh nghiệp đều cho rằng năm nay sẽ có nhiều người dân ngoại tỉnh ở lại TP.HCM đón Tết. Tuy vậy theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, sức mua vẫn sẽ kém sôi động như các năm trước, nhưng Sở Công thương vẫn lên nhiều phương án đảm bảo nguồn hàng trong mọi tình huống.
Tất nhiên, đẩy mạnh sản xuất cho dịp Tết không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp không gặp phải khó khăn. Tiếp xúc với doanh nghiệp TP, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết ghi nhận rất nhiều sự khó khăn của doanh nghiệp trong việc triển khai cung ứng mặt hàng phục vụ Tết.
"Một trong những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối diện là chi phí nguyên vật liệu. Ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến chi phí logistics gia tăng rất lớn, đặc biệt là các nhóm hàng phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài, chi phí logistics tăng với một tốc độ chóng mặt. Thiếu hụt lao động là khó khăn tiếp theo mà doanh nghiệp phải đối mặt trong tình hình mới. Thứ ba là nguồn vốn phục vụ cho sản xuất và thứ tư là thị trường bị thu hẹp. Hiểu một số khó khăn đó, thành phố có rất nhiều những chương trình về lãi vau, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn".
Chia sẻ với Doanh Nhân Trẻ Online, Giám đốc Siêu thị Sài Gòn Satra Mart cam kết sẽ đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, giữ giá ở mức bình ổn đi cùng với các chương trình khuyến mãi, chiết khấu để phục vụ cho nhu cầu của bà con TP trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.