Tổng cục Thuế thu ngân sách 4 tháng đầu năm tăng 5,9% so với cùng kỳ
(DNTO) - Theo Tổng cục Thuế, số thu ngân sách 4 tháng đầu năm ước đạt 468.088 tỷ đồng, bằng 41,9% so với dự toán được giao. Đồng thời tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hành thu vào ngân sách Nhà nước 'đúng, đủ, kịp thời' trong tháng 5 và những tháng tiếp theo.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế 4 tháng đầu năm 2021 đạt 468.088 tỷ đồng, bằng 41,9% dự toán và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trên cả nước hiện có 53/63 cục Thuế địa phương có số thu 4 tháng đạt trên 35% dự toán.
Điển hình như Cục Thuế Đồng Nai đạt 22.694 tỷ đồng, bằng 67% dự toán; Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh ước thực hiện là 10.648 tỷ đồng, đạt 47,7% so với dự toán Bộ và Tỉnh giao; Cục Thuế Lào Cai đạt 2.168 tỷ đồng, đạt 39% dự toán Trung ương giao, đạt 29% dự toán UBND Tỉnh giao...
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thuế, số thu ngân sách đang có dấu hiệu chững lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh trên phạm vi cả nước.
Cụ thể, thu ngân sách nhà nước của cả nước tính riêng trong tháng 4/2021 chỉ đạt 8,8% so với dự toán. Trong đó, thu từ 3 khu vực kinh tế đạt khoảng 26.500 tỷ đồng, bằng 7,8% dự toán.
Bên cạnh đó, việc gia hạn nộp thuế theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2021 dự báo khiến số thu các sắc thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp giảm theo, dự kiến chỉ đạt lần lượt là 7,1% và 8,3% dự toán.
Trước dự báo không thuận lợi trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương đánh giá tác động của việc thực hiện Nghị định của Chính phủ đến số thu ngân sách trong các tháng tiếp theo và việc dịch chuyển số thu này đến các tháng cuối năm.
Trong thời gian tới, giải pháp trọng tâm được ngành Thuế đặt ra là rà soát, nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật thuế và các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế theo hướng bao quát được hết nguồn thu.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản lý thuế cho cơ quan thu, phòng chống gian lận, trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế, thực hiện quản lý thuế điện tử; tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước... Đồng thời, yêu cầu các đơn vị cần rà soát, đánh giá tác động của việc thực hiện Thông tư số 03 của Ngân hàng Nhà nước về trích lập dự phòng rủi ro, các tổ chức tín dụng, ngân hàng đối với số thu ngân sách nhà nước.
Về công tác quản lý nợ thuế, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho rằng, hiện tổng số nợ thuế do ngành Thuế quản lý còn khá cao so với chỉ tiêu. Do đó, Vụ Quản lý nợ cần đề xuất các biện pháp xử lý nợ thuế hiệu quả hơn, trong đó bao gồm cả xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội.
Đối với các cục Thuế địa phương, người đứng đầu ngành Thuế chỉ đạo, tiếp tục tăng cường triển khai các giải pháp thu ngân sách đã được triển khai từ đầu năm, đồng thời quyết liệt thu nợ của những đơn vị có số nợ lớn, thường xuyên nợ ngân sách...