Thứ bảy, 05/04/2025
Doanh Nhân Trẻ

Doanh Nhân Trẻ

  • Click để copy

Thủ tướng: Phải thiết lập công cụ quản lý rủi ro trong suy thoái và khủng hoảng

Thạch Hương
- 14:45, 12/09/2022

(DNTO) - Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, chúng ta không bó tay ngồi chờ, mà đi tìm sự ổn định trong sự bất định; tìm sự chủ động trong thế bị động; thiết lập công cụ quản lý rủi ro trong suy thoái và khủng hoảng là thuộc tính không thể thiếu trong trong kinh tế thị trường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Chiều 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, trong đó nhiều yếu tố bất lợi đến kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam trong cả trước mắt và lâu dài. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc. Xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc. 

Sự đứt gãy của huỗi cung ứng nguyên, nhiên vật liệu, hàng hóa và lao động, chuỗi sản xuất đã và đang làm xáo trộn hoạt động sản xuất và đời sống. Áp lực lạm phát tăng cao, giá dầu mỏ, khí đốt và một số nguyên liệu đầu vào cơ bản biến động mạnh.

Các nước có những phản ứng chính sách khác nhau, trong đó có chính sách phòng chống dịch. Các tổ chức quốc tế liên tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu. Các vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu cực đoan hơn.

"Trong bối cảnh khó khăn đó, chúng ta không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn mà đi tìm sự ổn định trong sự bất định; đi tìm sự chủ động trong thế bị động; đi tìm ổn định và nhất quán trong chuyển đổi và xáo trộn; thiết lập công cụ quản lý rủi ro trong suy thoái và khủng hoảng là thuộc tính không thể thiếu trong trong kinh tế thị trường; thiết lập phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế trong hội nhập", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè đối tác quốc tế, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thị trường vốn, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, thúc đẩy tăng trưởng (trong quý III, nếu không có thay đổi lớn thì dự kiến tăng trưởng GDP sẽ đạt hơn 7%).

Các cân đối lớn của nền kinh tế  được bảo đảm: Thu NSNN đáp ứng nhu cầu chi - thu NSNN ước đạt 85,6% dự toán, tăng 19,4%; xuất nhập khẩu 8 tháng đạt gần 500 tỷ USD, tăng 15,5%, xuất siêu gần 4 tỷ USD; cân đối lương thực – thực phẩm, cân đối năng lượng được bảo đảm; Thị trường lao động phục hồi; Tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi ở cả 3 khu vực; Công tác an sinh xã hội được làm tốt; Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; Đối ngoại và hội nhập được mở rộng, thúc đẩy phù hợp xu thế và tình hình thế giới.

Các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam. Mới nhất, hãng đánh giá tín dụng Moody's vừa nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng ổn định). Nikkei đánh giá chỉ số phục hồi Covid-19 của Việt Nam xếp thứ 2 thế giới, tăng 12 bậc. WB, IMF nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế còn rất khó khăn và xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi. Nền kinh tế Việt Nam quy mô khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn nên một tác động nhỏ bên ngoài cũng có ảnh hưởng tới trong nước. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Một số giải pháp, chính sách có độ trễ trong triển khai. Thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản tiềm ẩn rủi ro, vừa qua, đã tổ chức nhiều hội nghị về các thị trường này để điều tiết phù hợp và không siết chặt một cách bất hợp lý.

Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc điều hành vừa phải bám sát thực tiễn, trên nền tảng các vấn đề kỹ thuật mang tính kinh tế, vừa phải ổn định chính trị - xã hội, với nghệ thuật điều hành linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình thế giới, khu vực và Việt Nam, các kinh nghiệm rút ra, quan điểm, định hướng mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản; đề xuất kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cấp bách, trước mắt cũng như lâu dài.

Nhiều khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2022, 2023

Trình bày báo cáo đề dẫn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình thế giới có nhiều biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến mới, chưa từng có tiền lệ, rất khó dự báo hoặc không thể dự báo; rủi ro, bất định ngày càng gia tăng, biến động chính sách ngày càng nhanh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP

Sang đầu năm 2022, khi tình hình dịch bệnh có xu hướng ổn định trở lại, tình hình thế giới liên tục xuất hiện những yếu tố mới, có tính chất nhanh, mạnh, khó lường, tác động lớn, toàn diện đến các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, có độ mở kinh tế lớn, phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu như: xung đột Nga - Ukraine; suy giảm tăng trưởng và lạm phát tăng cao tại Mỹ, EU và nhiều nước phát triển; tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc; đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng...

Từ hội nghị của Thủ tướng Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô cuối tháng 7 đến nay, tình hình thế giới xuất hiện một số yếu tố mới như: nguy cơ suy thoái tại một số nền kinh tế lớn trở nên rõ ràng hơn, tình trạng thất nghiệp tại Mỹ tăng so với đầu năm 2022; nguồn cung khí đốt trở thành thách thức chưa từng có tại EU; Mỹ và các nước G7 áp trần giá dầu xuất khẩu của Nga, áp lực tăng giá dầu tiếp tục có xu hướng yếu đi nhưng còn khó dự đoán; hạn hán kéo dài trên diện rộng tại Trung Quốc, EU...

Những yếu tố này, cộng hưởng với các yếu tố đã được nhận diện, phân tích, đánh giá như tác động kéo dài của dịch bệnh Covid-19, cạnh tranh giữa các nước lớn, căng thẳng địa chính trị… đã chuyển nhiều vấn đề ngắn hạn trở thành vấn đề trong trung và dài hạn tại nhiều nền kinh tế lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức đối với tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát và các cân đối lớn của nước ta cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn.

Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế vẫn tăng trưởng dương, trong năm 2021, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016; mặt bằng lãi suất giảm, tín dụng tăng trưởng tích cực, tỉ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối được nâng lên; các cân đối lớn được bảo đảm, thu NSNN vượt cao so với số dự toán, nền kinh tế xuất siêu hơn 4 tỷ USD.

Tâm lý lo lắng, thận trọng với dịch bệnh Covid-19 cuối năm 2021 dần được cởi bỏ, tạo điều kiện, nền tảng quan trọng để nền kinh tế chuyển trạng thái từ mở cửa thận trọng, lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại sang đẩy mạnh mở cửa các ngành, lĩnh vực, đưa đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới ngay từ những tháng đầu năm 2022.

Nhờ đó, nền kinh tế có bước phục hồi tích cực ngay từ đầu năm 2022, tăng trưởng GDP 6 tháng năm 2022 ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, dự kiến cả năm sẽ vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%), nếu tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa thì có khả năng sẽ đạt cao hơn ước tính ở thời điểm hiện tại. Đồng thời, Việt Nam vẫn giữ vững được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, nhất là trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn mất ổn định, đối mặt với rủi ro suy thoái.

Tính chung 8 tháng, CPI bình quân tăng 2,58%, tương đương các năm 2018-2021; thu NSNN ước đạt 85,6% dự toán, tăng 19,4% so với cùng kỳ; nền kinh tế ước xuất siêu 3,96 tỷ USD. Kết quả dự kiến cả năm cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, IMF và WB liên tục nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế GDP năm 2022 của Việt Nam lên lần lượt là 7% và 7,5%.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, kịp thời thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm nguồn cung, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường xăng dầu trong nước; điều hành giá, giảm thuế bảo vệ môi trường để giảm bớt áp lực về giá xăng dầu; chủ động phương án điều hành để tạo dư địa hỗ trợ giá xăng dầu trong trường hợp cần thiết. Đến nay, giá xăng dầu trong nước đã quay trở lại mặt bằng giá cuối năm 2021, trước khi diễn ra xung đột Nga - Ukraine. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm.

Đây là điều kiện quan trọng, tạo dư địa để tập trung nguồn lực để đầu tư đưa vào sử dụng một số công trình hạ tầng quan trọng như đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đoạn La Sơn - Túy Loan, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Hạ Long - Móng Cái, cầu Thủ Thiêm 2…; tháo gỡ khó khăn, xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài như nhà máy Nhiệt điện Thái Bình (giai đoạn 2), Sông Hậu 1, các dự án của VEC và VIDIFI, dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn…; cũng như hoàn thiện thể chế, triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng kinh tế trong quý 3/2022 mặc dù dự báo đạt cao, nhưng trên nền tăng trưởng quý 3/2021 rất thấp (-6,17% so với cùng kỳ). Áp lực và khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm 2022, năm 2023 ngày càng gia tăng, cụ thể: Hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số địa phương nhất là trung tâm công nghiệp của đất nước và ngành, lĩnh vực như dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ, du lịch…

Trong khi đó, bối cảnh quốc tế có rất nhiều khó khăn, bất lợi, ảnh hưởng mạnh tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và khả năng thực hiện nghĩa vụ với nhà nước của doanh nghiệp, có thể tác động tới thu ngân sách ngay từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Giá cả hàng hóa thế giới, giá xăng dầu tuy có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng khó dự báo; giá dầu tăng cao trong khi là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất và tiêu dùng; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng…, tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước. Những yếu tố này chưa thể giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn, trong khi xuất hiện những yếu tố mới, nhất là tình trạng hạn hán tại Trung Quốc, EU có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn cung lương thực, vật tư công nghiệp đầu vào trên thế giới, khu vực trong ngắn hạn.

Để kiềm chế lạm phát gia tăng, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất, qua đó làm tăng giá trị đồng USD và làm giảm giá trị đồng tiền của các quốc gia khác, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại toàn cầu; làm dịch chuyển dòng vốn đầu tư ngắn hạn, có xu hướng rút về và thu hẹp đầu tư; nhu cầu đồng USD lên cao, tác động rất lớn đến điều hành ổn định tỉ giá và mức dự trữ ngoại tệ của nước ta...

Thu hút FDI gặp nhiều khó khăn, FDI đăng ký cấp mới 8 tháng chỉ bằng 56,1% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỉ giá,… trong trung và dài hạn. Chất lượng FDI chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho khu vực trong nước.

Xuất khẩu đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế.

Cân đối điện đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ thiếu nước cho sản xuất thủy điện trên các sông lớn do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài tại Trung Quốc.

Đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, tỉ lệ giải ngân tương tự mọi năm, chưa có chuyển biến đáng kể; một số chính sách, giải pháp chậm triển khai, phần nào làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/8/2022 đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (40,6%).

Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ chậm hoàn thiện, ảnh hưởng đến phát triển các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng. Thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm, hình thành mặt bằng giá mới, gia tăng áp lực đối với Nhà nước, nhà đầu tư khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và cả người dân về khả năng chi trả, nhất là với các hộ gia đình trẻ, thu nhập thấp.

Nền kinh tế còn nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu dài hạn. Việt Nam đang ở nhóm các quốc gia có thu nhập ở mức trung bình thấp, thách thức lớn đặt ra là phải duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, sớm vượt qua nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế, thiếu liên kết với khu vực FDI, cũng như các chuỗi cung ứng toàn cầu. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, còn tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ. Kết cấu hạ tầng chưa bảo đảm đồng bộ, hiệu quả; quản lý phát triển đô thị còn bất cập. Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; công nghiệp chủ yếu là gia công lắp ráp, chưa phát triển được công nghệ nguồn, công nghệ lõi và hệ thống công nghiệp phụ trợ.

Giải pháp trọng tâm thời gian tới

Bộ trưởng Dũng cho biết, thời gian tới cần chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển KTXH và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới; tăng trưởng kinh tế vừa trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, vừa là điều kiện để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian tới cần chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển KTXH. Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian tới cần chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển KTXH. Ảnh minh họa

Trong điều hành kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính cần chủ động theo dõi diễn biến, tình hình trong nước, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau và với các cơ quan liên quan để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh, tình hình, điều kiện nguồn lực của nền kinh tế.

Diễn biến nhanh, khó lường của tình hình kinh tế đòi hỏi phản ứng chính sách phải nhanh, có trọng tâm, hiệu quả, kịp thời. Đòi hỏi các bộ, cơ quan quản lý ngành cần chủ động, linh hoạt trong hành động không chờ chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc đề xuất từ các cơ quan khác.

Chính sách tài khóa cần nâng cao chủ động trong ban hành và tổ chức thực hiện, giảm thiểu tối đa độ trễ từ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền đến tổ chức thực hiện, thời gian tác động chính sách đến nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, đồng thời bảo đảm dư địa chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế sau năm 2023.

Phấn đấu giải ngân tối đa kế hoạch vốn đầu tư công được giao; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thực sự cần thiết; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống thất thu, mở rộng các cơ sở thu, phấn đấu tăng thu, tạo dư địa trong điều hành.

Chính sách tiền tệ cần thận trọng, chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát, tỉ giá, vừa bảo đảm linh hoạt để vừa kiềm chế lạm phát, vừa duy trì mặt bằng lãi suất, tỉ giá, tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu tín dụng cho phục hồi sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác truyền thông về quan điểm, định hướng điều hành chính sách tiền tệ, góp phần tránh tâm lý kỳ vọng.

Chính sách thương mại, sản xuất cần chủ động đánh giá, dự báo các mặt hàng có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn để có phương án điều tiết về nguồn cung hàng hóa, sản xuất trong nước nhất là thời gian cuối năm 2022, đầu năm 2023; bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh lương thực; giảm thiểu tình trạng "được mùa, mất giá" trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tranh thủ được cơ hội xuất khẩu khi giá tăng; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tích trữ, làm giá, bảo đảm tính lành mạnh của thị trường.

Chính sách điều hành giá cần rà soát, tính toán lộ trình tăng giá phù hợp đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, quản lý, trên cơ sở cân nhắc, đánh giá đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, đặc biệt là giá xăng dầu, điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục.

Chính sách về đầu tư, huy động nguồn lực, cần tiếp tục đẩy nhanh lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao hiệu quả hoạt động để phát huy nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước phục vụ phát triển KTXH; hoàn thiện quy định về trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán phái sinh, triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán nước ta từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, để giảm bớt áp lực huy động vốn trung và dài hạn của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Mục tiêu phấn đấu: Hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 vượt 7,5%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm 2022 tăng dưới 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng để phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm (6,5-7%/năm), không làm suy yếu các động lực tăng trưởng, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi số…; phát triển xuất nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại hài hòa, bền vững.

Phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, chiếm lĩnh thị trường; bảo đảm nhu cầu huy động vốn, lao động…t ạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng nhất là trong các ngành, lĩnh vực chiếm tỉ trọng lớn của nền kinh tế.

Giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước hằng năm đạt 95%-100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn ngân sách địa phương đạt 100%; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia, trọng điểm, cụ thể hóa đột phá chiến lược về cơ sở hạ tầng...

Tin khác

Doanh nhân - Doanh nghiệp
Theo ước tính, tổng giá trị hàng hóa được miễn thuế lên tới 644 tỷ USD, trong đó 185 tỷ USD đến từ Canada và Mexico, còn 459 tỷ USD từ các đối tác thương mại khác.
14 giờ
Doanh nhân - Doanh nghiệp
Trước tình hình Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng 46%, lo ngại thủy sản Việt mất thị trường, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) gửi kiến nghị “khẩn” đến Thủ tướng và các bộ, ngành chức năng. 
20 giờ
Thời sự - Chính trị
“Việt Nam lấy làm tiếc trước việc Hoa Kỳ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ. 
20 giờ
Thời sự - Chính trị
Thị trường và chính quyền các quốc gia khắp nơi trên thế giới phản ứng dè dặt trước loạt thuế đối ứng vừa được tung ra bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump , vì thực ra không ai muốn tham gia chiến tranh thương mại.
1 ngày
Thời sự - Chính trị
Tổng thống Donald Trump chính thức công bố áp mức thuế đối ứng lên tới hàng chục nền kinh tế trên thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm những nước chịu mức áp thuế cao với 46%.
1 ngày
Thời sự - Chính trị
Chính quyền Mỹ vừa công bố báo cáo thương mại thường niên, làm dấy lên những tranh luận về tác động của các rào cản thương mại đối với nền kinh tế toàn cầu.
3 ngày
Công nghệ Số hóa
Bộ Tài chính vừa đưa ra cảnh báo trang facebook có tên “Tiếp nhận Xử lý Thu hồi và Hoàn Trả Vốn Treo” sử dụng hình ảnh và thông tin của Bộ Tài chính, tự nhận là đại diện Bộ Tài chính là giả mạo.
3 ngày
Thời sự - Chính trị
Nhà máy Intel tại Việt Nam sẽ chạm mốc 4 tỷ sản phẩm xuất xưởng vào tháng tư, một dấu ấn khẳng định vai trò của nhà máy lắp ráp và kiểm định của Intel tại Việt Nam trong chuỗi vận hành toàn cầu.
3 ngày
Thời sự - Chính trị
Tuyên bố gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp dụng "thuế nhập khẩu đối ứng" đối với tất cả các quốc gia đã gây ra làn sóng tranh luận mạnh mẽ trên toàn cầu.
4 ngày
Thời sự - Chính trị
Ba quốc gia Đông Bắc Á - Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc - đã tổ chức cuộc đối thoại kinh tế và thương mại đầu tiên sau 5 năm tại Seoul, Hàn Quốc, vào ngày 30/3 vừa qua. Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh khu vực đang đối mặt với hàng loạt thách thức lớn, từ chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến những biến động kinh tế toàn cầu.
4 ngày
Thời sự - Chính trị
Tối 29/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
5 ngày
Thời sự - Chính trị
Thị trường bất động sản xa xỉ đang trở nên nóng bỏng khắp Đông Nam Á, thu hút các thương hiệu khách sạn, nhà ở và cả những thương hiệu ngoài ngành tham gia.
1 tuần
Thời sự - Chính trị
Việc Bộ Thương mại Mỹ (U.S. Department of Commerce) thông báo bổ sung hơn 80 thực thể, trong đó có hơn 50 công ty Trung Quốc và các doanh nghiệp còn lại đến từ Pakistan, Nam Phi, Iran và UAE, vào danh sách hạn chế xuất khẩu (Entity List), đã làm dấy lên những tranh luận về chiến lược kiềm chế công nghệ của Mỹ.
1 tuần
Thời sự - Chính trị
Khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.
1 tuần
Thời sự - Chính trị
Tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo.
1 tuần
Xem thêm