Thủ tướng: Tháo gỡ các vướng mắc, khoảng trống pháp lý để phát triển kinh tế xã hội
(DNTO) - Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chuẩn bị tốt các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật thời gian tới. Cần coi trọng cả việc xây dựng luật mới, nhất là các quy định về đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững KT-XH.
Ngày 26/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2022.
Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về: Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Dân số; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để xây dựng Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các tuyến đường giao thông kết nối; dự án Luật Phòng thủ dân sự; Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến cụ thể đối với từng dự án luật. Trong đó, với dự thảo Nghị quyết do Bộ Quốc phòng trình về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để xây dựng Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các tuyến đường giao thông kết nối, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tiếp thu ý kiến tại phiên họp, khẩn trương hoàn thiện dự thảo để Chính phủ ban hành ngay trong tuần này.
Trước đó, ngày 9/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát hiện trường và chủ trì cuộc họp về các dự án đang triển khai tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Việc sớm ban hành Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để xây dựng Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các tuyến đường giao thông kết nối, sớm giảm tải cho sân bay, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững cho Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.
Kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chuẩn bị tốt các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật thời gian tới. Cần coi trọng cả việc xây dựng luật mới, cả việc tổng kết, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành, nhất là các quy định về đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
Các bộ, ngành khẩn trương đề xuất xử lý các vấn đề vướng mắc, khoảng trống pháp lý trong thẩm quyền của Chính phủ và chủ động, khẩn trương ban hành văn bản xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền, đồng thời đề nghị các địa phương tích cực rà soát việc thực hiện các quy định trong thực tiễn.
Thủ tướng lấy ví dụ, dự án hồ chứa nước Bản Mồng tại Nghệ An được bố trí 3.700 tỷ đồng nhưng đã kéo dài 13 năm, việc bàn giao đất quốc phòng để xây dựng Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất… đang gặp phải một số vướng mắc, khoảng trống pháp lý, cần kịp thời tháo gỡ.
Thủ tướng yêu cầu phối hợp tích cực, trách nhiệm với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chuẩn bị các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; bám sát, thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, 2023 đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và Thủ tướng đã phân công; đẩy nhanh việc soạn thảo, trình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành, khắc phục triệt để tình trạng xin lùi, xin rút.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên, tập trung nguồn lực trong xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi, tăng cường lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng tác động, huy động trí tuệ tập thể, kinh nghiệm chuyên gia, nhà khoa học.
Thủ tướng lưu ý việc xây dựng các quy định cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên hết, trước hết, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, chống tham nhũng, tiêu cực; phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thủ tướng cũng lưu ý trong quản lý nhà nước, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát; phối hợp chặt chẽ, rà soát kỹ để bảo đảm không trùng lắp hoặc bỏ sót nhiệm vụ giữa các cơ quan, tránh khoảng trống pháp lý và tránh những xáo trộn không cần thiết; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.