Thủ tướng: Phải tập trung vào 3 'trụ cột' là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng
(DNTO) - Trên quan điểm tập trung ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu dồn tổng lực đẩy mạnh "cỗ xe tam mã" gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Trong đó nhấn mạnh, các giải pháp gắn với cắt giảm các loại thuế cần được triển khai nhanh và hiệu quả để bánh xe này thực sự “chạy đều" hơn.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 5 trực tuyến với các địa phương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023, ngày 3/6, sau khi phân tích tình hình quốc tế, trong nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, áp lực tăng trưởng kinh tế những tháng còn lại của năm là rất lớn, đồng thời chỉ đạo tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Điều hành tỷ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp; tập trung chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay; bảo đảm thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh. Tăng cường quản lý thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên.
Trên quan điểm tập trung ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng đề nghị dồn tổng lực các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính, mở rộng sang các thị trường mới. Đặc biệt, đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Trong đó nhấn mạnh, hiện nay, các chính sách liên quan đến kích cầu tiêu dùng chưa được coi trọng thỏa đáng. Các giải pháp gắn với cắt giảm các loại thuế cần được triển khai nhanh và hiệu quả để các trụ cột này thực sự “chạy đều" hơn.
“Các bộ, ngành, địa phương phải chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, kiên trì tăng cường phân cấp, phân quyền, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng chỉ đạo lãnh đạo các địa phương chỉ đạo dứt khoát lập quy hoạch, hoàn thành công tác quy hoạch trong quý IV tới; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện chương trình phục hồi, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên vật liệu phục vụ các dự án, công trình trọng điểm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ngay trong các cấp chính quyền; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; chủ động, tích cực rà soát, có cơ chế phù hợp cho các dự án bất động sản, công nghiệp trên địa bàn, chú ý có chính sách cho người lao động; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xử lý các hiện tượng trì trệ bằng công tác cán bộ; nghiên cứu các chính sách an sinh xã hội trình Chính phủ cho chủ trương…
Thủ tướng Chính phủ giao các nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, cơ quan trong việc điều hành lãi suất, giảm chi phí cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn hướng vào lĩnh vực ưu tiên, tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống, thanh khoản, xử lý nợ xấu, thúc đẩy các gói tín dụng như gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội;
Tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách, tiết kiệm chi thường xuyên, đẩy nhanh chính sách hoàn thuế VAT, chuẩn bị chính sách bổ sung miễn, giảm thuế, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp; sớm hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; tập trung thực hiện chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Thủ tướng chỉ đạo tổ chức các khu công nghiệp quy mô lớn; thúc đẩy tiêu dùng trong nước; mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu của các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; triển khai quy hoạch điện VIII và xử lý các vướng mắc trong thực hiện quy hoạch điện VII; khẩn trương xử lý 4/12 dự án tồn đọng còn lại; đảm bảo lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu; hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đất đai, tài nguyên, môi trường; đáp ứng cung cầu lao động, đề xuất giải pháp hỗ trợ người lao động...
"Các thành viên Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ và vai trò gương mẫu, xung kích, dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn đưa đất nước phát triển quý sau cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước; tạo xung lực chung đưa đất nước phát triển như kỳ vọng", Thủ tướng đề nghị.