Thị trường trong nước đang ‘chống đỡ’ nền kinh tế ra sao?
(DNTO) - Được xem là một trong ba yếu tố thuộc “cỗ xe tam mã” hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam, thị trường trong nước thời gian qua đã duy trì mức tăng trưởng ổn định, đóng góp vào sự gia tăng GDP và là một trụ cột vững chắc của nền kinh tế.
Trợ lực phát triển kinh tế
Còn nhớ, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương hồi tháng 7 năm ngoái, người đứng đầu Chính phủ lúc đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ví tăng trưởng của Việt Nam như "cỗ xe tam mã" gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, do đó, Chính phủ và các địa phương cần có giải pháp quyết liệt để thúc đẩy “ba con ngựa kéo”.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Ấn Độ và một số nước láng giềng Việt Nam như Lào, Campuchia đang diễn biến ngày càng phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống, xã hội của nước ta, những kỳ vọng vào việc tăng trưởng xuất khẩu hay thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vẫn còn không chắc chắn, giải ngân đầu tư công còn thấp, vì vậy, thị trường trong nước tiếp tục được xem là điểm tựa vững chắc của nền kinh tế Việt Nam.
Thực tế, trải qua nhiều thời kỳ phát triển kinh tế Việt Nam, thị trường trong nước đã chứng minh vai trò trụ cột, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn.
Giai đoạn 2006-2010, kinh tế thế giới bất ổn sau thời gian tăng trưởng mạnh nhất kể từ đầu năm 1970. Mặc dù cuối năm 2009 và năm 2010, suy thoái có dấu hiệu chững lại ở một số nước nhưng diễn biến vẫn phức tạp, ảnh hưởng xấu đến các nền kinh tế, nhất là các nước đang phát triển, kém phát triển. Tuy vậy, thương mại nội địa Việt Nam giai đoạn này vẫn bảo đảm cân đối cung cầu những mặt hàng trọng yếu cho nền kinh tế, đưa hàng hóa tới vùng sâu, vùng xa. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ xã hội năm 2010 đạt khoảng 1.677,3 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần năm 2006 (596 nghìn tỷ đồng).
Đặc biệt giai đoạn này, hoạt động thương mại nội địa cũng chứng kiến sự phát triển khá nhanh của các loại hình phân phối hiện đại, với đa dạng loại hình kinh doanh bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại và sự tham gia của các thành phần kinh tế, trong đó có cả thành phần nước ngoài.
Tuy cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 khiến thị trường hàng hóa biến động, chỉ số giá năm 2008 tăng ở mức cao 19,89% (so với tháng 12/2007), nhưng thị trường trong nước giai đoạn này tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu nhằm góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau giai đoạn bị đình trệ do suy thoái kinh tế toàn cầu. Thị trường hàng hóa mở rộng và phát triển, hàng hóa dồi dào, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý (CPI năm 2009 tăng 6,25%, năm 2010 tăng 11,75% so với tháng 12 năm trước).
Giai đoạn 2011-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 8,8%, điều này cho thấy thị trường trong nước đã và đang trở thành động lực góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế; giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Tận dụng các lợi thế về quy mô dân số với thị trường gần 100 triệu dân, thị trường trong nước đã giữ vững được đà tăng trưởng với tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội các năm ở mức hai con số, sức mua và quy mô thị trường ngày càng lớn.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục tăng từ 1.677,3 nghìn tỷ đồng (năm 2010) lên 3.223,2 nghìn tỷ đồng (năm 2015) và 4.930,8 nghìn tỷ đồng (năm 2019), riêng năm 2020, do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên tăng trưởng chỉ ở mức 2,62%. Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2011-2019 đạt 12,7%/năm, luôn cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân GDP của cả nước trong cùng thời kỳ.
Cũng trong giai đoạn 2016-2020, chỉ số giá hàng hóa được kiểm soát, CPI bình quân giảm từ 4,74% (năm 2016) xuống 3,54% (năm 2018) và ở mức 3,23% trong năm 2020 (cách khá xa mức chỉ tiêu Quốc hội giao dưới 4%).
Tiếp tục là “ngựa kéo” tăng trưởng kinh tế giai đoạn Covid-19
Cùng với sự tăng trưởng tốt của quy mô thị trường nội địa, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu trong nước luôn được bảo đảm trong mọi thời kỳ, đặc biệt là trong giai đoạn thị trường hàng hóa thiết yếu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 trong năm 2020 vừa qua.
4 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.695,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,02% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 2,8%) nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,03% (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,76%), đóng góp không nhỏ vào việc tăng trưởng 4,48% GDP quý I/2021.
Trong đó, hầu hết doanh thu từ các lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, may mặc, lương thực, thực phẩm, phương tiện đi lại, vật phẩm văn hóa – giáo dục, đồ dùng trang thiết bị gia đình… đều tăng. Duy chỉ có doanh thu du lịch lữ hành tiếp tục giảm 49,2% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế đồng thời người dân vẫn lo lắng về dịch bệnh nên hạn chế đi du lịch.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, mặc dù giá nhiều loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu đều tăng nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 0,89%, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 4 tháng tăng 0,74% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 0,89%), theo Tổng cục Thống kê.
Dù thừa nhận, áp lực lạm phát sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm 2021 do triển vọng về sự hồi phục của kinh tế toàn cầu khi việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đang triển khai khẩn trương tại nhiều quốc gia, sẽ đẩy mặt bằng giá lên cao, tuy nhiên với kinh nghiệm điều hành của Chính phủ trong kiểm soát lạm phát những năm vừa qua, ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê tin tưởng mục tiêu CPI bình quân khoảng 4% trong năm nay do Quốc hội đề ra là có thể thực hiện được.
Để tiếp tục giữ vững sự ổn định và tăng trưởng của thị trường trong nước, thời gian qua, Liên Bộ Công thương - Tài chính liên tục trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu để đảm bảo giá xăng dầu, phục vụ hoạt động kinh doanh và đời sống người dân.
Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước. Đặc biệt, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém sẽ tiếp tục được bộ này chú trọng để đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa và góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước.