Du lịch nội địa sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế
(DNTO) - Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên vô giá, có những con người và cảnh đẹp chưa được khai thác hết. Hiện ngành du lịch đang đứng trước khó khăn, nhưng đây sẽ là ngành phục hồi mạnh mẽ nhất hậu Covid-19.
Du lịch nội địa là “chìa khóa vàng” để phục hồi du lịch trong thời điểm hiện tại
Tại Tọa đàm "Du lịch Việt Nam 2021-2023 - Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ", diễn ra chiều nay 3/4, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thường mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, nhấn mạnh, sau đại dịch Covid-19, khi nhắc tới sự phát triển của du lịch và kinh tế Việt Nam, mọi thứ đã thay đổi. Trước đây, khi nói tới phục hồi, mọi người thường bàn tới sự quay trở lại, tức là những thứ đã có trước đây. Nhưng bây giờ phục hồi không có nghĩa là quay trở lại của ngày hôm qua. Sau Covid-19, mọi người trở nên yêu và trân trọng giá trị cuộc sống hơn.
Theo ông Lộc, không ít người thay đổi quan điểm, họ hưởng thụ cuộc sống, trải nghiệm và đi du lịch nhiều hơn. Hình thức du lịch cũng thay đổi, thay vì tới những nơi phồn hoa, nhiều trung tâm thương mại mua sắm, giờ họ tìm về những vùng nông quê, gần gũi với thiên nhiên. Vì vậy, các công ty du lịch cũng cần tạo nên dịch vụ du lịch mới, đáp ứng giá trị sống của con người. Đó là hạnh phúc phải được đặt lên hàng đầu. Việt Nam có thế mạnh với nền văn hóa gắn liền cùng thiên nhiên, sở hữu vẻ đẹp tiềm ẩn, cần khai phá, và chúng ta cần phát triển tiềm năng này. Đặc biệt, hiện tại, du lịch nội địa đang phát triển mạnh mẽ.
“Việt Nam nên tiếp tục tạo nên dấu ấn về phát triển kinh tế, bằng cách sáng tạo và phát triển du lịch. Việt Nam là không gian đủ lớn để người dân khám phá, không cần phải đi ra bên ngoài. Tôi đề nghị chúng ta cùng phát động cuộc thi về những sáng kiến phát triển du lịch Việt Nam trong phạm vi toàn quốc với tên gọi như: Khám phá Việt Nam hay Tìm hiểu về danh lam thắng cảnh đất nước. Chúng ta sẽ tìm ra câu chuyện để phát triển du lịch bằng cách tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Cuộc thi sẽ giúp cho người dân trong nước lẫn thế giới đều biết đến và muốn đến khám phá, trải nghiệm ở từng vùng đất của Việt Nam", ông nói.
Chủ tịch VCCI khẳng định, trước khi trở thành một đất nước hùng cường, từng người dân, lãnh đạo cần phải hiểu đất nước này. Đây cũng được coi là nền tảng để phát triển du lịch, bên cạnh các chính sách giảm giá nhằm thu hút du khách.
Tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, Việt Nam đang triển khai các chương trình kích cầu nội địa và đón khách quốc tế. Năm 2020, trước sự bùng phát của Covid-19, du lịch từ ngành tăng trưởng nhanh đã trở nên ngưng trệ, đóng băng, nhiều ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành du lịch tự đánh giá và chọn lựa lại các ưu tiên phát triển, chuẩn bị cho sự phục hồi sau đại dịch.
Việt Nam đã nhanh chóng khống chế thành công nhiều làn sóng dịch bệnh trong năm 2020 và trở thành quốc gia có giá trị thương hiệu tăng nhanh nhất năm 2020. Bộ trưởng nhận định, đây là thế mạnh, đòn bẩy để phát triển trở lại.
Trong năm 2020, Việt Nam vẫn được gọi tên trong nhiều hạng mục giải thưởng du lịch như: điểm đến di sản, điểm đến ẩm thực hàng đầu. Điều này khẳng định sức hút của du lịch Việt vẫn được duy trìu và khẳng định.
Việt Nam đã hai lần triển khai chiến dịch Hai lần kích cầu du lịch nội địa, "người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và "Du lịch Việt Nam - an toàn, hấp dẫn".
“Nhận được sự hưởng ứng, tham gia mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông trong cả nước. Nhờ vậy lượng khách nội địa đạt 56 triệu lượt, mang lại thu khoảng 312.200 tỷ đồng; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực do dịch Covid-19 tới ngành du lịch. Điều này cũng cho thấy, tiềm năng và nhu cầu đi du lịch trong nước của người dân vẫn còn nhiều dư địa khai thác”, Bộ trưởng Thiện nói.
Định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021 - 2023, Bộ trưởng Thiện cho biết, Việt Nam sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác. Bên cạnh đó sẽ làm mới sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm du lịch mới để chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.
Du lịch nội địa sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Eurowindow kiêm Chủ tịch câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ, cho biết, du lịch phát triển kéo theo các lĩnh vực vận tải, lưu trú và sản phẩm địa phương..., đồng thời, phát triển và giải quyết công ăn việc làm, an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế vùng và nâng cao sự tôn trọng lẫn nhau giữa các địa phương, quốc gia.
Tại Việt Nam, du lịch là nền kinh tế mũi nhọn. Trong giai đoạn trước mắt, Việt Nam cần đẩy mạnh du lịch và xem xét mở cửa du lịch quốc tế.
Ông cũng khẳng định du lịch nội địa sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế. Các ngành như lưu trú, dịch vụ... cần tạo mối liên kết chặt chẽ. Theo đó, câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ đang triển khai chính sách liên kết chung giữa các doanh nghiệp hành không, lữ hành... để kích cầu du lịch. Chủ tịch CLB Sao Đỏ kỳ vọng ngành du lịch Việt Nam sẽ có lối đi, giải pháp mới để phát triển hơn nữa trong giai đoạn hậu Covid-19.
Đưa ra những giải pháp để ngành du lịch phục hồi và phát triển, dưới góc độ là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch FLC, cho rằng, các cơ quan nhà nước nên tiếp tục phát động các chương trinh du lịch nội địa. Truyền thông tổng thể sẽ giúp người dân tiếp cận du lịch trong nước. Đồng thời, cần bổ sung thêm ngày nghỉ - ngày du lịch Việt Nam, bố trí sát vào các kỳ nghỉ hiện hữu.
“Đối với các doanh nghiệp du lịch, yếu tố: An toàn, tiêu chuẩn dịch vụ, chi phí cần phải đặt lên hàng đầu. Về mặt an toàn, doanh nghiệp cần nỗ lực tạo ra các điểm đến an toàn cho du khách, phục vụ đa dạng nhiều sản phẩm tại một điểm đến. Về chất lượng dịch vụ, năm 2020, 50% nhân sự trong ngành du lịch mất việc, vì vậy cần phải tập trung đào tạo, củng cố đội ngũ nhân sự trong tập đoàn, nâng cấp, tạo nên nhiều hạ tầng du lịch”, bà Dung nói.