Hộ chiếu vắc-xin: Chậm một bước sẽ mất lợi thế cạnh tranh của ngành du lịch
(DNTO) - Sau khi du lịch phụ hồi, vấn đề cạnh tranh điểm đến giữa các quốc gia sẽ ngày càng căng thăng, nếu Việt Nam chậm chân, thị phần khách du lịch quốc tế của nước ta sẽ bị thu hẹp đáng kể.
Hộ chiếu vắc-xin tăng sức hấp dẫn của ngành du lịch
Ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam, cho biết, trong bối cảnh du lịch quốc tế tiếp tục bị gián đoạn bởi đại dịch và dự kiến sẽ trở lại bình thường sớm nhất vào năm 2023 (theo IATA), ngành du lịch Việt Nam tiếp tục đối diện với nhiều thách thức do nhu cầu du lịch sụt giảm bởi dịch bệnh, thất nghiệp, thu nhập của người dân giảm, doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính để khôi phục hoạt động, sụt giảm nguồn cung nhân lực du lịch chất lượng cao do chính sách cắt giảm nhân lực….
Mặc dù vậy, trong điều kiện khó khăn, ngành du lịch Việt Nam đã xuất hiện những phương thức hoạt động mới, khai thác sức mạnh nội sinh của ngành, cầm cự chờ đại dịch đi qua. Đó là các cơ chế đối thoại công tư, các mô hình liên kết, hợp tác vùng được đẩy mạnh; các doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không đang làm tốt vai trò dẫn dắt thị trường.
“Ngành du lịch Việt Nam đã bước đầu tìm hướng phát triển du lịch thông minh, chuyển đổi số và quản lý điểm đến ở địa phương. Đây là những điểm sáng mà chúng ta tìm ‘cơ trong nguy’ từ đại dịch”, ông Chung cho biết.
Thế nhưng, vị lãnh đạo của Tổng cục du lịch cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần sớm triển khai cơ chế hộ chiếu vắc-xin để thu hút khách du lịch quốc tế. Bởi nếu chậm chân trong việc triển khai hộ chiếu vắc xin, thị phần khách du lịch quốc tế của Việt Nam sẽ bị thu hẹp đáng kể, vì sự cạnh tranh điểm đến giữa các quốc gia sẽ ngày càng căng thẳng sau khi du lịch thế giới phục hồi .
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các ngành Y tế, Du lịch, Ngoại giao sớm nghiên cứu ban hành cơ chế “hộ chiếu vắc xin” để thúc đẩy thương mại, đầu tư.
Lãnh đạo Tổng cục du lịch cho biết, hiện đã họp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch mở cửa lại thị trường khách du lịch quốc tế, chỉ chờ Thủ tướng ‘bật đèn xanh’ là có thể triển khai, tránh trường hợp chậm chân với các quốc gia, nhất là quốc gia lân cận đang rất tích cực trong việc triển khai hộ chiếu vắc-xin như Thái Lan, Malaysia, Singapore.
Ngoài ra, vấn đề số lượng, chất lượng nguồn nhân lực du lịch luôn là vấn đề nóng, quyết định đến chất lượng dịch vụ của ngành du lịch Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đã khiến lượng lớn nhân lực có chất lượng cao của ngành du lịch dịch chuyển sang ngành khác.
“Chắc chắn, để phục hồi lực lượng này phải mất hàng thập kỷ mới có thể phục hồi lại thời điểm trước năm 2020”, ông Chung nói và cho rằng các doanh nghiệp cần tranh thủ giai đoạn hoạt động đón tiếp khách du lịch bị đình trệ, phải tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đón đầu thị trường khách du lịch quốc tế mở cửa trở lại.
Sử dụng hộ chiếu vắc-xin là tất yếu
Dù việc sử dụng hộ chiếu vắc-xin để du lịch quốc tế vẫn còn nhiều băn khoăn và lo ngại do hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa lây truyền chưa rõ ràng và nguồn cung cấp vắc xin toàn cầu còn hạn chế, nhưng đây là vẫn được xem là một giải pháp để thế giới sống chung với đại dịch, mở cửa du lịch.
Bởi năm 2020 là một năm khó khăn với nhiều ngành nghề, nhưng đối với ngành du lịch, đây là ngành chịu tác động sớm nhất và nặng nề nhất. Tuy Việt Nam đã nỗ lực chống dịch và kích cầu du lịch nội địa qua hai giai đoạn, nhưng các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch đều sụt giảm rất nghiêm trọng.
Theo Tổng cục Du lịch, trong năm 2020, số lượng khách quốc tế đến nước ta chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm 2019. Dù đã cố gắng kích cầu du lịch nội địa trong điều kiện chống dịch ở những giai đoạn an toàn nhưng lượng khách nội địa chỉ đạt 55 triệu lượt khách, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 ước đạt 320.200 tỷ đồng, giảm 34% so với năm trước.
Lực lượng doanh nghiệp nòng cốt của ngành du lịch là doanh nghiệp lữ hành chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất. Năm 2020, chỉ 201 doanh nghiệp du lịch xin được cấp mới giấy phép, giảm 1/3 so với năm 2019; có tới 338 doanh nghiệp xin được thu hồi giấy phép, giảm 3 lần so với năm trước, 90% doanh nghiệp đóng cửa.
Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang thúc đẩy việc triển khai cơ chế hộ chiếu vắc-xin.
Tại châu Á, Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên cho phép công dân những quốc gia được đánh giá là an toàn như Australia Brunei, Trung Quốc, New Zealand, Việt Nam… nhập cảnh Singapore với mục đích du lịch - giải trí ngắn hạn mà không cần cách ly kiểm dịch. Ngoài ra, Singapore còn có sáng kiến "bong bóng du lịch hàng không" với Hong Kong và Malaysia nhằm giúp ngành du lịch sớm phục hồi.
Hàn Quốc hôm 1/4 cũng cho biết sẽ phát hành hộ chiếu vắc-xin Covid-19 cho những công dân đã tiêm ngừa virus SARS-CoV-2.
Thái Lan đã thông qua lộ trình mở cửa lại cho khách du lịch nước ngoài đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, bao gồm ba giai đoạn đối với sáu tỉnh bao gồm Phukhet, Krabi, Phangnga, Surat Thani, Chon Buri và Chiang Mai.
Maldives cấp thị thực 30 ngày cho khách du lịch quốc tế. Các hạn chế kiểm dịch là không bắt buộc nếu hành khách hoàn thành khai báo sức khỏe trực tuyến và cung cấp được kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Nhật Bản sẽ cấp giấy chứng nhận kỹ thuật số cho những công dân đã được tiêm vắc-xin Covid-19 trong thời gian tới.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đang có kế hoạch sử dụng hộ chiếu vắc- xin trong mùa hè này.
Ở châu Mỹ, Mỹ là nước đi đầu trong vấn đề hộ chiếu vắc xin. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh yêu cầu các cơ quan đánh giá tính khả thi của việc cấp chứng nhận điện tử cho những người đã tiêm vắc-xin Covid-19.
Trong bối cảnh chung của thế giới, theo các chuyên gia, việc triển khai hộ chiếu vắc-xin tại Việt Nam là cần thiết và nên nhanh chóng triển khai. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu kĩ lưỡng về cơ chế kích hoạt hộ chiếu này, để việc mở cửa thúc đẩy thương mại, du lịch nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.