Nhiều giải pháp đột phá giúp du lịch Đà Nẵng trở mình
(DNTO) - Sáng kiến về Sàn Giao dịch Du lịch trực tuyến, hay thẻ du lịch thông minh, là những giải pháp mà chính quyền, doanh nghiệp Đà Nẵng đang từng bước thực hiện, nhằm phục hồi sức sống của một trung tâm du lịch lớn trong thời dịch Covid-19.
26,6% doanh nghiệp du lịch lo cạn vốn vào cuối năm 2021
Trao đổi trong tọa đàm “Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch TP. Đà Nẵng” sáng 1/4, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Quỹ phát triển Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, sau 3 lần bùng phát dịch Covid- 19, du lịch Đà Nẵng bị thiệt hại nặng nề.
Khảo sát mới đây của Quỹ phát triển Du lịch TP. Đà Nẵng cho thấy, hiện chỉ có khoảng hơn 50% doanh nghiệp du lịch đang hoạt động trở lại. Trong đó, các khách sạn mở cửa trở lại chủ yếu là khách sạn 4-5 sao, còn đa số khách sạn phân khúc thấp hơn đều vẫn đóng cửa, một số đang rao bán do điểm rơi về khách khó khăn.
Cũng theo khảo sát của Quỹ này, Đà Nẵng có khoảng 52.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch, nhưng sau các lần dịch Covid- 19, hiện đã có khoảng 45.000 lao động nghỉ việc.
“Như vậy các doanh nghiệp chỉ giữ lại lực lượng lao động chủ chốt, các lao động phổ thông cho nghỉ việc, dừng việc. Khó khăn hơn khi dịch Covid- 19 kéo dài, các lao động phổ thông hầu như đã tiếp cận hết các gói hỗ trợ của Chính phủ”, ông Dũng cho biết.
Ông Dũng cũng cho hay, lo ngại lớn nhất của doanh nghiệp du lịch vẫn là dịch bệnh quay lại, bởi mỗi lần bùng dịch là ngành du lịch mất hoàn toàn lượt khách do du lịch không phải nhu cầu bức thiết. Qua 3 lần dịch Covid- 19 bùng phát, hiện 80% doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng giảm từ 70-100% doanh thu. Trong đó khoảng 26,6% doanh nghiệp lo ngại về cạn vốn vào cuối năm 2021, buộc phải rời thị trường.
Cũng theo ông Dũng, hiện các gói hỗ trợ của Nhà nước năm 2020 đã phát huy được hiệu quả trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng vực dậy khỏi dịch bệnh. Trong đó, các nhóm chính sách được đánh giá cao nhất và mong muốn tiếp tục được triển khai trong năm 2021 gồm: hỗ trợ chính sách cho người lao động; gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; gia hạn thời gian trả nợ, miễn, giãm lão, phí, giữ nguyên nhóm nợ.
Vì vậy, để doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng có thể vực dậy, ông Dũng đề xuất Chính phủ và chính quyền TP. Đà Nẵng nghiên cứu giảm thuế VAT, cân nhắc từ 5% giảm còn 0% trong 1-2 năm; giảm thuế doanh nghiệp, VAT, thuế đất; Giảm 50% phí chuyển đổi biển số xe; hỗ trợ giá điện nước; miễn phí bãi đỗ xe và có thêm các gói cứu trợ cho doanh nghiệp.
Nhiều giải pháp quyết liệt
Trao đổi về giải pháp của chính quyền trong việc thúc đẩy du lịch, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, hiện Sở này đã phối hợp với UBND thành phố và Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thẻ du lịch thông minh.
Trong thẻ này sẽ kết nối tất cả các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ của Đà Nẵng, và quảng bá các dịch vụ của các doanh nghiệp đến tận tay khách hàng. Khách du lịch có thể mua thẻ theo hình thức trả trước hoặc thông qua thanh toán điện tử để sử dụng các dịch vụ du lịch khi đến Đà Nẵng. Cùng với đó là các chính sách về kích cầu, giảm giá sẽ được tích hợp vào thẻ, để khách hàng sử dụng thẻ sẽ được ưu tiên.
Ngoài ra, Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cũng đang nghiên cứu triển khai Sàn Giao dịch Du lịch trực tuyến để kết nối giữa khách hàng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và giữa các doanh nghiệp với nhau, tổ chức các hoạt động giao dịch du lịch trực tuyến, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thông qua đó kích cầu du lịch Đà Nẵng.
Đặc biệt, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá cao việc Đà Nẵng hình thành Quỹ xúc tiến Du lịch – quỹ xã hội đầu tiên của Việt Nam. Bởi theo ông Bình, sản phẩm của ngành du lịch rất trừu tượng nên việc xúc tiến, giới thiệu sản phẩm du lịch tốn kém, cần nhiều công cụ, biện pháp và cần quá trình để quảng bá. Do đó, chi phí cho xúc tiến du lịch nó trở thành một phần của giá thành sản phẩm du lịch.
Tuy nhiên, khi Nhà nước chưa đủ nguồn lực để đầu tư quảng bá du lịch, Đà Nẵng đã đi đầu trong việc tổ chức quỹ xúc tiến du lịch. “Đây là hướng đi đúng đắn và sáng tạo, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đà Nẵng. Quỹ này sẽ kích thích toàn bộ nguồn lực của xã hội tập trung vào để phát triển du lịch. Chúng tôi chắc chắn trong một thời gian ngắn, Đà Nẵng sẽ trở thành trục phát triển du lịch của đất nước, vừa là điểm đến nhưng cũng là điểm phân phối khách du lịch cho khu vực”, ông Bình nhấn mạnh.
Ông Ngô Hoài Trung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam đang nghiên cứu cơ chế "hộ chiếu vaccine", nếu cơ chế này nhanh chóng được triển khai, Đà Nẵng sẽ được chọn là điểm du lịch thí điểm, đây là cơ hội để du lịch Đà Nẵng trở mình.
Dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid- 19, nhưng với những lợi thế sẵn có cùng quyết tâm cao của chính quyền và doanh nghiệp, thời gian qua, du lịch Đà Nẵng đã chứng minh được năng lực khi đối phó với dịch bệnh.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Quỹ phát triển Du lịch TP. Đà Nẵng, cho biết, sau dịch Covid- 19 lần thứ nhất, du lịch Đà Nẵng hồi phục và trở lại ngoạn mục với tăng trưởng 25-30% lượt khách nội địa vào tháng 7. Ở thời điểm đó, mỗi ngày, Đà Nẵng đón khoảng hơn 80 chuyến bay trong nước.
Đến cuối tháng 7, khi dịch Covid- 19 bùng phát lần thứ 2, Đà Nẵng một lần chứng minh năng lực điều phối của chính quyền khi kịp thời sơ tán 80.000 khách ra khỏi Đà Nẵng một cách an toàn, tạo một thương hiệu lớn trong việc kiểm soát dịch bệnh.
“Đặc biệt trong cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ không ai bị nhiễm dịch Covid- 19, mặc dù tiếp xúc với khách hàng ngày. Những điểm sáng về thương hiệu đó sẽ phải được truyền thông rất mạnh để thuyết phục cộng đồng trong phòng chống dịch”, ông Dũng nhấn mạnh.