Thị trường lao động năm 2022: Trên đà phục hồi nhưng chưa thực sự bền vững
(DNTO) - Số liệu từ Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, cơn bão đại dịch, nhiều người lao động đã quay trở lại thị trường và có việc làm, nhưng phần lớn là việc làm phi chính thức, với đặc trưng công việc là bấp bênh, thiếu ổn định. Điều này cho thấy triển vọng phục hồi vẫn còn mong manh, không bền vững.
Dù còn nhiều thách thức trong nỗ lực phục hồi thị trường lao động, song với chiến lược thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và tốc độ bao phủ vaccine rộng, các dự báo cho thấy thị trường lao động trong năm 2022 sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan và tiếp tục khởi sắc.
Điều này thể hiện rõ ở các thị trường lao động lớn trong nước. Đơn cử tại TP.HCM, theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, năm 2022, thị trường lao động thành phố tiếp tục phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Dự kiến toàn thành phố có 4.931.790 lao động làm việc; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,96%, công nghiệp – xây dựng chiếm 37,15%, thương mại – dịch vụ chiếm 61,89%.
Lao động làm việc trong các doanh nghiệp dự báo khoảng trên 3 triệu người. Đáng chú ý, nhu cầu về lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng lên đáng kể, nhân lực qua đào tạo chiếm 86,28%.
Còn tại Hà Nội, dù cho rằng sẽ có những khó khăn trong bối cảnh số ca nhiễm luôn dẫn đầu cả nước gần một tháng qua, song ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, thị trường lao động Thủ đô sẽ tiếp tục khởi sắc, đặc biệt trong quý 1/2022 – thời điểm mà hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhộn nhịp nhất để hoàn thiện các đơn hàng phục vụ cho Tết Nguyên đán.
Ông Thành dự báo, những ngành nghề dự kiến sẽ có xu hướng tuyển dụng tăng trên địa bàn như: công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, thương mại điện tử, logistic, vận tải, kho bãi, một số nhóm ngành nghề về phân tích dữ liệu, thương mại quốc tế. Riêng một số nhóm ngành nghề truyền thống năm qua có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh thì năm 2022 dự báo vẫn tiếp tục xu hướng này như công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê đánh giá, thị trường lao động vẫn đứng trước nhiều thử thách, khi lao động có việc làm phi chính thức quý IV/2021 là 55,1%, so với quý III/2021, số lao động có việc làm phi chính thức là 19,4 triệu người, tăng 1,3 triệu người, tương ứng tăng 7,4%, cao gần gấp 2 lần mức tăng của lao động có việc làm.
Như vậy, sau cơn bão đại dịch, nhiều người lao động đã quay trở lại thị trường và có việc làm, nhưng đó phần nhiều là việc làm phi chính thức, với đặc trưng công việc là bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác. Rõ ràng, thị trường lao động có sự phục hồi nhưng sự phục hồi này chưa bền vững.
Mới đây, theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), số lao động thất nghiệp tại Việt Nam trong năm 2022 sẽ ở mức khoảng 1,3 triệu người, tăng hơn so với năm 2021 (khoảng 1,2 triệu) và tương đương với mức thất nghiệp của năm 2020. Số lao động thất nghiệp sẽ giảm trong năm 2023 về mức tương đương năm 2021. Mức này vẫn cao hơn so với mức tiền khủng hoảng (1,1 triệu người năm 2019).
Ông Vũ Quang Thành cho rằng, về phía người lao động, cũng có xu hướng quay lại để tìm kiếm việc làm sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Song vẫn còn những lo ngại về việc thiếu hụt lao động sau mỗi kỳ nghỉ Tết.
“Người lao động về quê ăn Tết có quay lại làm việc hay không còn phụ thuộc vào cơ chế giữ chân lao động của doanh nghiệp, việc này là bài toán sau Tết năm nào cũng được đặt ra”, ông Thành cho hay.
Theo đó, dự báo về nhu cầu nhân sự, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM đã đưa ra 2 kịch bản. Thứ nhất, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng phức tạp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, dự kiến nhu cầu nhân lực năm 2022 cần khoảng 255.000 - 280.000 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý I cần khoảng 71.500 - 78.500 chỗ làm việc; quý II cần khoảng 59.600 - 65.500 chỗ làm việc; quý III cần khoảng 60.600 - 66.500 chỗ làm việc; quý IV cần khoảng 63.300 - 69.500 chỗ làm việc.
Kịch bản thứ hai, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, diễn biến theo chiều hướng tích cực, dự kiến nhu cầu nhân lực năm 2022 cần khoảng 280.000 - 310.000 chỗ làm việc.
“Để thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động trong tình hình mới, các doanh nghiệp cần tạo nơi làm việc an toàn và lành mạnh với các chính sách làm việc linh hoạt, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút và giữ chân người lao động. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần chia sẻ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết để thích ứng, để cùng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay và hướng đến bình thường mới”, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực nhận định.