Năm 2021, cả nước có hơn 1,4 triệu người thất nghiệp do dịch Covid-19
(DNTO) - Tình hình lao động, việc làm quý 4/2021 có những gam màu tươi sáng hơn so với quý trước, nhưng tính chung cả năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm cả nước là hơn 1,4 triệu người, tăng 203.700 người so với cùng kỳ.
1,4 triệu người thất nghiệp, thu nhập giảm
Phát biểu tại họp báo Tình hình lao động việc làm quý 4/2021 và cả năm 2021 ngày 06/01, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, thông tin, tính chung cả năm 2021, lực lượng lao động, số người có việc làm giảm, tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp tăng so với năm trước. Cả nước có hơn 1,4 triệu người thất nghiệp.
Ông Tiến cũng cho rằng, cùng với chính sách thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch để khôi phục kinh tế, thị trường lao động quý IV bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý IV năm 2021 tăng so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV/2021 là 50,7 triệu người, tăng khoảng 1,7 triệu người so với quý trước và giảm 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV năm 2021 là 67,7%, tăng 2,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,3%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 69,3%.
So với quý III/2021, số lao động có việc làm phi chính thức là 19,4 triệu người, tăng 1,3 triệu người, tương ứng tăng 7,4%. “Rõ ràng, thị trường lao động có sự phục hồi nhưng sự phục hồi này chưa thật bền vững”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cho hay.
Như vậy, cả năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 50,5 triệu người, giảm 791,6 nghìn người so với năm trước. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người, chiếm 36,8%; lực lượng lao động nữ đạt 23,5 triệu người, chiếm 46,5% lực lượng lao động của cả nước.
Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý IV năm 2021 là gần 1,5 triệu người, giảm 381,1 nghìn người so với quý trước và tăng 635,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2021 là hơn 1,6 triệu người, giảm 113,1 nghìn người so với quý trước và tăng 369,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số người thất nghiệp năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 203,7 nghìn người so với năm trước.
Lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người (chiếm 33,2%), giảm 254.200 người so với năm trước; khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người (chiếm 37,9%), giảm 800.800 người so với năm trước; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 14,2 triệu người (chiếm 28,9%), tăng 37.300 người so với năm trước.
"Tình hình dịch kéo dài và phức tạp đã khiến cho hàng triệu người mất việc, lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ...", Tổng cục Thống kê nhận định.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,7 triệu đồng, giảm 32.000 đồng so với năm 2020. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 6,6 triệu đồng, cao hơn 1,4 lần của lao động nữ (4,7 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị là 7 triệu đồng, cao hơn 1,4 lần mức thu nhập bình quân lao động khu vực nông thôn (5 triệu đồng).
Còn thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương năm 2021 là 6,6 triệu đồng, giảm 45.000 đồng so với năm 2020. Lao động nam có mức thu nhập bình quân cao hơn 1,15 lần mức thu nhập bình quân của lao động nữ (7 triệu đồng so với 6,0 triệu đồng); lao động khu vực thành thị có thu nhập bình quân cao hơn 1,23 lần lao động khu vực nông thôn (7,3 triệu đồng so với 5,9 triệu đồng).
Gần 30 triệu lượt người lao động được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân cư. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên cho công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh với nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm công tác an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người dân ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Tính đến ngày 15/12/2021 tổng kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương đã hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 (gói 26.000 tỷ đồng); Nghị quyết số 86 và Nghị quyết số 126 của Chính phủ; Quyết định số 23 là gần 31,4 nghìn tỷ đồng cho 28,8 triệu lượt người và 337,9 nghìn đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 116 của Chính phủ đã hỗ trợ 37,5 nghìn tỷ đồng cho gần 22,3 triệu lượt người và 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh.Tính đến ngày 23/12/2021 đã hỗ trợ gần 149,1 nghìn tấn gạo cho 2,5 triệu lượt hộ với gần 9,9 triệu lượt nhân khẩu thiếu đói do giáp hạt, ảnh hưởng dịch bệnh và thiên tai.
Theo báo cáo từ UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 15/12/2021 đã hỗ trợ giảm giá điện, giá nước với tổng hỗ trợ lần lượt là gần 2,3 nghìn tỷ đồng và 310,2 tỷ đồng cho nhân dân trên địa bàn cả nước.
Ngoài ra, công tác an sinh xã hội định kỳ và công tác giảm nghèo bền vững tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện ngay cả trong điều kiện dịch bệnh, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, chăm lo cho hộ nghèo.
Trong năm 2021, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là 9,7 nghìn tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công là 4,4 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 2,8 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cứu đói các đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khác là 2,5 tỷ đồng. Có gần 29,1 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.