Thị trường giảm sâu, nhà đầu tư hoảng loạn, mở đầu một tuần căng thẳng của chứng khoán
(DNTO) - Tâm lý hoảng loạn bao trùm thị trường chứng khoán khi VN-Index mất hơn 45 điểm, xuyên thủng mốc 1.100 điểm.
Thị trường chứng khoán ghi nhận một phiên đầu tuần đen tối, mở đầu một tuần nhiều thách thức đối mặt với các thông tin như báo cáo việc làm tháng 9 của Mỹ sẽ đc công bố vào cuối tuần, nhómOPEC+ sẽ họp để đưa ra sản lượng cho tháng 11 tới, phát biểu các quan chức Fed cũng sẽ xuất hiện trong tuần với khả năng nhiều về việc Fed tiếp tục tăng lãi suất.
Đà bán tháo trên diện rộng, có sự xuất hiện của tâm lý FOMO, cho thấy sự hoảng loạn của nhà đầu tư. "Tìm kênh đầu tư khác thôi, chán quá rồi", "Thị trường giảm đến thế này thì nhà đầu tư nhỏ lẻ không bao giờ dám quay lại", "Ai cũng thua lỗ, nghĩ mà nản"... Trên các hội nhóm chứng khoán, các nhà đầu tư thể hiện trạng thái chán nản, tuyệt vọng với thị trường.
Ngày đầu của quý mới, chứng khoán trong nước đã thể hiện những phản ứng tiêu cực. Đà đi xuống liên tục trong phiên khi VN-INdex liên tục lao dốc đâm thủng đáy 1.100 điểm, điều ít người có thể mường tượng tới.
Tất cả các nhóm ngành đều giảm sâu, như nhóm ngành bảo hiểm giảm trung bình 7,1%, nhóm chứng khoán giảm 7%, nhóm bán lẻ giảm 6,4%... Nhóm ngân hàng giảm nhẹ hơn với mức giảm 2,4%, trong đó, VCB và BID giảm lần lượt 3,5% và 6,9%, là hai mã có tác động tiêu cực nhất đến diễn biến thị trường trong phiên.
Khối ngoại cũng đẩy mạnh bán tháo, nâng tổng mức bán cả ngày lên 1.440 tỷ đồng, chiếm hơn 12 tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE. Trong khi đó, mức mua vào đạt 909 tỷ, tương đương bán ròng 531 tỷ đồng. Tính chung trong tháng 9, khối ngoại vẫn rút đi ròng 2.623 tỷ đồng từ các cổ phiếu sàn HoSE.
Dòng tiền sụt giảm khi chỉ có hơn 13 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn. Dòng tiền giảm không chỉ do nhà đầu tư lo sợ không dám mua mạnh, mà còn bị cạnh tranh khi lãi suất tiền gửi tăng, chưa kể đồng đô la Mỹ cũng đang mạnh.
Cộng thêm đó, khi thị trường đi xuống, áp lực call margin khiến nhiều cổ phiếu vẫn bị bán mạnh, thậm chí giảm sàn dù mức giá đã xuống thấp, góp phần đạp thị trường sâu hơn.
"Tuần này sẽ là một tuần căng thẳng", ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích đầu tư của Chứng khoán Smart Invest cho biết.
Ông chỉ ra hai lý do quan trọng, thứ nhất chứng khoán Mỹ vừa chứng kiến việc phá mốc 200 của chỉ số S&P 500 vào ngày cuối tuần. Thông tin này đã lan ra thành câu chuyện bi quan chung của chứng khoán toàn cầu.
Thứ hai, hai ngân hàng lớn trên thế giới là Deutsche Bank và Credit Suisse đang xảy ra vấn đề nghiêm trọng khi giao dịch Credit Default Swap (CDS) cao bất thường tương đương với năm 2008. Điều này khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ phá sản của hai tổ chức này.
Trước các nguyên nhân trên, theo ông Khánh, sự bất thường trong phiên giao dịch hôm nay là điều dễ hiểu. .
Với nhà đầu tư đang cầm lượng cổ phiếu lớn, tiền mặt ít sẽ gặp bất lợi. "Tuy nhiên đây lại là cơ hội tốt với nhà đầu tư đang có tiền mặt", ông Khánh cho biết.
Trong khi đó, theo chứng khoán VCBS, với bối cảnh xung đột chính trị thế giới tiếp tục leo thang, rủi ro hệ thống gia tăng, nhiều khả năng các thị trường tài chính sẽ tiếp tục quá trình định giá lại.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, "các nhà đầu tư tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi thị trường cho tín hiệu cân bằng, không vội vàng bắt đáy, mua đuổi cổ phiếu để quản trị rủi ro trong ngắn hạn".