Thế trận quyền lực hàng hóa mới - Bài 3: Cánh cửa cơ hội
(DNTO) - Nhu cầu pin điện tăng cao là một cơ hội ngàn vàng cho các quốc gia sản xuất hàng hóa nguyên liệu. Nhưng nắm bắt cơ hội này không phải đơn giản.
Cánh cửa cơ hội eo hẹp
Một bản báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (International Renewable Energy Agency) chỉ ra nhiều vấn đề cho các quốc gia khai thác kim loại, cảnh báo thời cơ sẽ không dài lâu như những khu vực sản xuất dầu mỏ và khí đốt.
Một thử thách đối với sản xuất kim loại chế tạo pin, chẳng hạn như lithium, là trữ lượng quặng dồi dào, rải rác trên khắp thế giới. Hiện tại, giá lithium đã trở nên quá cao, đến mức nó thúc đẩy phát triển khai thác ở những vùng đá cứng tại Trung Quốc và Úc.
Cạnh tranh trong vùng đã bắt đầu gây trở ngại. Tại Nam Mỹ, Chile là quốc gia khai thác và sản xuất lithium nhiều nhất, nhưng nước láng giềng Argentina đang nhăm nhe qua mặt.
Argentina là một trường hợp đặc biệt, quốc gia này đang đối mặt với khủng hoảng lạm phát, nên họ sẵn sàng mở cửa chào đón đầu tư khai thác khoáng sản. Với 9,6 tỷ đô la vốn đầu tư, và 38 dự án đang được triển khai, các quan chức Argentina cho biết sản lượng lithium của nước này sẽ tăng gấp 6 lần trong vòng 5 năm tiếp theo.
Mặc dù nhiều quan chức thuộc các quốc gia “Vùng tam giác lithium” (Chile, Argentina và Bolivia) đã nhiều lần nhắc đến việc thành lập một tổ chức độc quyền, nhưng Fernanda Ávila, Bộ trưởng Bộ Khai thác mỏ của Argentina, cho biết quốc gia này không mấy mặn mà với kế hoạch đó.
John Baffes, người đứng đầu Đơn vị Hàng hóa tại Ngân hàng Thế giới, có kinh nghiệm nghiên cứu các tổ chức độc quyền, cho rằng sẽ rất khó để các nước sản xuất kim loại phối hợp với nhau, vì sẽ luôn có các cạnh tranh từ bên ngoài nhóm.
Một vấn đề lớn khác là công nghệ pin điện đang phát triển với tốc độ vũ bão, thay đổi nguyên liệu sản xuất. Các hãng xe điện đã bắt đầu chuyển sang pin không sử dụng cobalt do giá thành cao.
Đó là chưa kể giá cả trên thị trường cobalt, nickel, lithium có phần lắng dịu so với đỉnh điểm của 2021-2022, trong khi sản lượng xe điện tại Trung Quốc chậm lại. Cách cửa cơ hội cho các “cường quốc hàng hóa” có vẻ như càng lúc càng eo hẹp.
Các hãng khai thác có nhiều kinh nghiệm trong ngành đã chứng kiến hiện tượng này xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Mick Davis, người sáng lập Vision Blue Resources và cựu Giám đốc điều hành của Xstrata, cho biết việc quốc hữu hóa tài nguyên thường diễn ra khi giá cả tăng cao, nhưng dễ dẫn đến thua thiệt vì nó kéo dài thời gian phát triển.
Nắm bắt thời cơ
Dù thế, đây vẫn là một cơ hội ngàn vàng cho các quốc gia sản xuất nguyên liệu. Họ vẫn sẽ tìm mọi cách để chắt lọc giá trị hết sức có thể.
Đầu năm nay, Chile đã khơi mào kế hoạch quốc hữu hóa một phần ngành khai thác lithium, bắt đầu với hai mỏ lớn ở sa mạc Atacama, với những dự án sau đó trở thành hợp tác tư nhân - chính phủ.
Tổng thống Chile, Gabriel Boric, cho biết kế hoạch điều khiển dây chuyền sản xuất lithium là cơ hội tuyệt vời nhất để quốc gia này trở thành một cường quốc phát triển. Ông mong muốn chia sẻ lợi ích của khai thác khoáng sản đến đồng bào Chile một cách công bằng hơn.
Argentina đang chuẩn bị mở nhà máy sản xuất pin lithium ion đầu tiên tại Nam Mỹ Latin vào tháng 9 sắp tới, cùng với kế hoạch cho một nhà máy lớn hơn nữa trong năm sau.
Kế hoạch gầy dựng một ngành công nghiệp sản xuất xe điện tại Indonesia đã bắt đầu cho ra trái. Đầu năm nay, Ford công bố họ sẽ đầu tư hàng tỷ đô la cho một cơ sở xử lý nickel tại nước này. Hyundai vừa mở nhà máy sản xuất pin tại Indonesia trong mùa hè này, với kế hoạch cho một nhà máy thứ hai đang được tiến hành.
Nhiều ý kiến cho rằng sự thay đổi thế trận quyền lực như thế là một điều tốt. Elizabeth Press, Giám đốc tại Irena, cho biết: “Điều vô cùng cần thiết là chúng ta phải viết lại di sản của ngành khai thác mỏ, để các quốc gia giàu khoáng sản có thể thu được nhiều giá trị kinh tế từ tài nguyên của họ”.