Thế trận mới trên thị trường bán lẻ
(DNTO) - Các nhà bán lẻ không bỏ qua cơ hội để lấy tiền nhiều hơn từ ví người tiêu dùng ở cả thành thị cho đến nông thôn.
Thị trường bán lẻ Việt Nam tiềm năng nhưng cũng không kém phần khốc liệt khi các tay chơi trên thị trường đều có thế và lực. Để mở rộng thị trường, những nhà bán lẻ luôn phải tìm hướng đi “ngách” và khác biệt với các đối thủ. Đó là lý do thời gian gần đây, thị trường xuất hiện hàng loạt các mô hình bán lẻ mới.
Trong năm 2023, các nhà bán lẻ như WinCommerce, Central Retail ưu tiên “đánh” về nông thôn, vùng ven tỉnh thành. WinCommerce có vẻ nhanh chân hơn với tốc độ mở mới trung bình 163 cửa hàng 1 tháng. Còn Central Retail hiện đã có 10 cửa hàng mô hình mini go! (cửa hàng mua sắm nhỏ tích hợp) trên toàn quốc.
Để “chạm” được phân khúc khách hàng này, nhà bán lẻ ưu tiên chọn danh mục hàng hóa phù hợp với mức thu nhập trung bình của người dân nơi đây. Nhằm có sản phẩm chất lượng tốt, giá hợp lý, WinCommerce, Central Retail đều ưu tiên kí hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp địa phương, thu mua trực tiếp từ nhà cung cấp để giảm chi phí vận chuyển và trung gian. Ngoài ra, nhà bán lẻ phát triển một số mặt hàng thiết yếu, sản phẩm nhãn hàng riêng như Gạo Ngọc Nương, hóa mỹ phẩm WinMart Good (WinCommerce)...với giá rẻ hơn mặt bằng chung thị trường.
AEON Việt Nam cũng tích cực mở rộng mô hình siêu thị tinh gọn trong các trung tâm, tòa nhà của đối tác, với diện tích từ 1.000 – 5.000m2, phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu của khách hàng tại từng địa phương.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương), đánh giá việc các doanh nghiệp phân phối nỗ lực đa dạng hóa các mô hình bán lẻ hiện đại sẽ giúp hạ tầng thương mại nông thôn đi theo hướng mới, văn minh và hiện đại hơn. Mặt khác sẽ nâng cao trải nghiệm khách hàng ở các khu vực đô thị, với phân khúc thu nhập cao hơn.
“Rất nhanh thôi, các hệ thống phân phối lớn sẽ có mặt ở khu vực nông thôn và khai thác hiệu quả khu vực này. Như vậy, các đối tượng khách hàng, từ người có thu nhập từ thấp đến cao đều được hệ thống phân phối phục vụ theo đúng nhu cầu”, bà Nga cho biết.
Ở chiều ngược lại, với nhóm khách hàng đô thị, đối tượng chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng doanh số của các nhà bán lẻ, cũng sẽ được phục vụ ở mức độ cao hơn. Chiến lược này nhằm đón làn sóng mua sắm của các tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng ở Việt Nam.
WinCommerce đang đẩy mạnh triển khai các mô hình WinMart Premium (trung bình 500-800m2) tại các khu dân cư, đô thị cao cấp; WinMart Urban (1.000-2.000m2). Lotte đã khai trương Trung tâm thương mại Lotte Mall West Lake, với diện tích cho thuê lên đến 72.000 m2, là dự án trung tâm thương mại quy mô lớn nhất Hà Nội ở thời điểm hiện tại. Trong khi đó, Trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza tại TP.HCM cũng “lột xác” sau thời gian sửa chữa.
“Nhìn nhận sâu hơn thì những mô hình này sẽ góp phần thu hút phân khúc người tiêu dùng thu nhập cao bao gồm cả người tiêu dùng nội địa và người nước ngoài đến làm việc, làm tăng sức mạnh thị trường trong nước”, bà Nga phân tích.
Như vậy, các đại gia bán lẻ trong và ngoài nước đều đang tăng tốc mở rộng phạm vi ảnh hưởng tại Việt Nam, một thị trường bán lẻ có quy mô 180 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến tăng lên 350 tỷ USD trong vài năm tới. Trước mắt, các hoạt động mở rộng này sẽ góp phần thúc đẩy thị trường, giúp bộ mặt thị trường bán lẻ Việt Nam chuyển đổi theo hướng hiện đại hơn.
Ở chiều ngược lại, cơ hội của những người chơi mới hay những kẻ yếu thế cũng bị thu hẹp dần khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Ngay cả những “ông lớn” đang tích cực mở rộng thị trường cũng phải có những bước đi rất chắc chắn. Bởi việc mở rộng đồng nghĩa với việc cơ hội phát triển tăng thêm nhưng rủi ro cũng cao thêm.
Một ví dụ nhãn tiền là chuỗi Bách Hóa Xanh. Ra đời năm 2015, chuỗi mang về doanh thu tỷ USD cho Thế giới Di động, dẫn đầu ngành hàng bán lẻ. Công ty liên tục mở rộng quy mô trong nhiều năm liên tiếp, ghi nhận 2.106 chi nhánh vào cuối 2022. Nhưng song song với chiến lược mở rộng thì khoản thua lỗ cũng tăng dần. Lũy kế từ 2016 đến nay là 8.300 tỷ đồng.
Các phân tích chỉ ra các vấn đề của chuỗi này như chi phí logistics lớn khiến sản phẩm đội giá cao, ngành hàng tươi sống gặp khó khăn về bảo quản. Chưa kể, việc chọn nhà cung ứng nhỏ là thương lái và nông dân để da dạng về nguồn cung cũng khiến hàng hóa của chuỗi chưa được đồng đều về số lượng và chất lượng.
Trước những sai lầm đó, quý 2/2022, Bách Hóa Xanh buộc phải tái cấu trúc. Công ty dừng việc mở rộng, đóng cửa cửa hàng yếu kém, cắt giảm nhóm hàng kinh doanh kém, loại các nhà cung cấp kém chất lượng, thay đổi bố trí cửa hàng... Nhờ vậy, doanh thu 11 tháng năm 2023 của chuỗi đạt 28.400 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2022 và dự kiến sẽ đạt điểm hòa vốn trong năm 2024.
Vì vậy, việc các nhà bán lẻ mở rộng tại nông thôn hay khai thác nhóm khách hàng trung lưu mới sẽ khiến cuộc đua của ngành bán lẻ ngày càng không cân sức. Cán cân sẽ nghiêng về những tay chơi có nguồn tài chính dồi dào, nghiên cứu thị trường kĩ lưỡng, đánh trúng hành vi khách hàng và đảm bảo chất lượng, giá cả nguồn hàng cung cấp. Ngược lại, những người yếu kém hơn có thể bị bỏ lại ngày càng xa hơn khi các đối thủ chiếm lĩnh nhiều hơn miếng bánh thị phần.