Các đại gia bán lẻ chạy đua mở rộng địa bàn
(DNTO) - Cuối năm 2023, hàng loạt các “ông lớn” bán lẻ trong và ngoài nước tung kế hoạch tuyển dụng nhân sự, đầu tư và mở rộng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, nhằm tạo đà bùng nổ mạnh mẽ trong năm 2024.
Tháng cuối cùng của năm 2023, nhà bán lẻ nội địa WinCommerce tăng tốc cải tạo 102 cửa hàng, mở mới 18 cửa hàng, để kịp đón làn sóng mua sắm dịp Tết cổ truyền. Một gã bán lẻ nội địa khác là Thiso Retail (thuộc tập đoàn Thaco) cũng đang gấp rút đưa vào vận hành siêu thị Emart thứ 3 tại Quận Gò Vấp, TP HCM.
Phía khối ngoại, Tập đoàn bán lẻ đến từ Hàn Quốc – Lotte - vừa khai trương trung tâm thương mại Lotte Mall West Lake Hà Nội với diện tích cho thuê lên đến 72.000 m2, là một trong những trung tâm thương mại có quy mô lớn nhất tại Hà Nội. Phía đầu cầu TP.HCM, Hùng Vương Plaza đã hoạt động trở lại sau thời gian đổi chủ và đóng cửa sửa chữa. 2 trung tâm thương mại này đều ghi nhận tỷ lệ lấp đầy gần như 100%, theo CBRE.
Các “ông lớn” khác trong ngành bán lẻ như Central Group và Aeon cũng đang chạy đua để mở rộng phạm vi hoạt động. Cụ thể, Aeon Việt Nam có kế hoạch tuyển dụng gần 1.500 nhân viên bán thời gian trên toàn quốc. Tập đoàn cũng khai trương mô hình siêu thị mới tại Bình Dương và dự kiến đưa vào hoạt động Aeon Mall Huế với diện tích gần 138.000 m2. Central Retail ra mắt thương hiệu nội thất mới là Come Home, Mini Go! Tại Đồng Nai và Quảng Nam.
Sở dĩ, các “ông lớn” bán lẻ không ngại đổ hàng tỷ USD để khai thác thị trường bán lẻ Việt Nam bởi họ đều nhìn thấy đây là mảnh đất “màu mỡ”.
Tiêu dùng hiện được Chính phủ xem là 1 trong 3 trụ cột tăng trưởng kinh tế của đất nước, bên cạnh đầu tư và xuất khẩu. Vì vậy, những chính sách để thúc đẩy tiêu dùng, gỡ khó cho thương mại trong nước luôn được quan tâm. Cụ thể như chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, mở rộng tín dụng tiêu dùng, vận động người Việt dùng hàng Việt, bình ổn thị trường...
Nhờ vậy, năm 2023, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt mốc 180 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên khoảng 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp khoảng 59% GDP cả nước, theo A.T.Kearney. Đặc biệt, đây là trụ cột duy nhất về đích với mức tăng 9,6%, theo Bộ Công thương.
Ông Vũ Đăng Ninh, Tổng Giám đốc Vietnam Report nhận định, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là một trong những lực đẩy quan trọng giúp doanh nghiệp củng cố nội lực để vượt qua giai đoạn khó khăn. Điều này góp phần cải thiện tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ trong những tháng cuối năm.
Một yếu tố khác tác động trực tiếp đến thị trường tiêu dùng trong nước chính là khả năng tiêu thụ của thị trường, điều này liên quan đến thu nhập người dân.
Số liệu từ World Bank cho thấy, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam giai đoạn 2017-2022 tăng trưởng 8,5%, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và gần gấp đôi mức bình quân của thế giới. Tỷ lệ tiêu dùng/GDP của Việt Nam trên 70%, thuộc lại cao trong khu vực.
Thu nhập bình quân người dân gia tăng, đặc biệt với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, đòi hỏi chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, mua sắm với trải nghiệm thoải mái hơn, văn minh hơn. Đây động lực để thương mại nội địa chuyển dịch theo hướng hiện đại.
Theo nghiên cứu, tại Việt Nam, trung bình 100.000 dân cần 1 đại siêu thị và 1 trung tâm thương mại, 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình, 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi. Đó là lý do các đại gia bán lẻ phải tranh thủ thời gian để bành trướng nhằm chiếm lĩnh thị trường trước đối thủ.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển vì kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm 25% thị phần, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 48%, Philipines là 75% và Singapore cùng nhiều các nước phát triển khác là 80%.
Do đó, các nhà bán lẻ sẽ vẫn còn rất nhiều cơ hội phát triển bằng những chiến lược về các mô hình điểm bán mới, trải nghiệm mới và hướng tới nhóm khách hàng mới để tăng doanh thu và lợi nhuận. Đây cũng là tiềm năng để ngành bán lẻ Việt Nam tiếp tục thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư trong giai đoạn tiếp theo.