Tháng 5, kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội vượt qua ‘mùa gió chướng’

(DNTO) - Các chuyên gia cảnh báo rằng sẽ có những ‘cơn gió ngược’ mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt, tuy vậy vào tháng 5 và tháng 6 năm 2023, sẽ có cơ hội để Việt Nam tận dụng và nối dài động lực tăng trưởng.

Kinh tế Việt Nam trong năm tới vẫn sẽ đối mặt với nhiều biến động do sự bất ổn từ kinh tế thế giới. Ảnh: T.L.
“Đa khủng hoảng” sẽ tác động mạnh tới Việt Nam
Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2023 sáng 11/1, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, mặc dù bị tác động mạnh trong bối cảnh “đa khủng hoảng đan xen đa chuyển đổi” nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.
Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tăng trưởng 8,02% , thuộc Top tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, quy mô GDP vượt 400 tỷ USD, xuất khẩu vượt 730 tỷ USD, an sinh xã hội được bảo đảm… đã khẳng định năng lực thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế nước ta.
“Kết quả trên không chỉ tạo dư địa cho điều hành vĩ mô năm 2023 mà còn là nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của giai đoạn 2023-2025. Tôi cho rằng bài học về khả năng thích nghi, bám sát thực tiễn là rất đáng lưu tâm trong bối cảnh thế giới đầy biến động như thời gian qua", Thứ trưởng cho biết.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nhận định, trong thời gian tới, những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và bên trong tiếp tục gây tác động kép đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được nhiều tổ chức quốc tế dự báo sẽ chậm lại, từ 2,2 – 2,5%, trong đó nhiều khu vực, quốc gia có nguy cơ rơi vào suy thoái sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, 6/10 quốc gia chiếm hơn 71% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được dự báo suy thoái kinh tế nhẹ trong ngắn hạn, vì vậy, một số ngành dệt may, da giày, đồ gỗ của Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. 6/10 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, chiếm 72% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam (gồm Mỹ, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông) cũng được dự báo sẽ rơi vào suy thoái từng cấp độ khác nhau.
Trước tình hình đó, theo ông Hiển, các mục tiêu như tăng trưởng 6,5%, lạm phát 4,5%... đã được Quốc hội thông qua trong năm 2023 cần có sự điều hành linh hoạt, nếu không chắc chắn sẽ là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam.
Đẩy mạnh đầu tư công để tận dụng “cửa hẹp”

Áp lực tỷ giá với Việt Nam có thể sẽ qua đi khi FED điều chỉnh lãi suất lần cuối cùng vào tháng 5/2023. Ảnh: T.L.
Thực tế, những thách thức của nền kinh té đều đã được Chính phủ Việt Nam dự liệu và chuẩn bị những kịch bản khác nhau để ứng phó trong năm 2023. Chia sẻ về động lực tăng trưởng trong năm mới, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học FulBright Việt Nam, Việt Nam vẫn có “cửa hẹp” để đổi chiều chính sách và giải quyết được những khó khăn trong nội tại của nền kinh tế khi các điều kiện bên ngoài cho phép.
Cụ thể, ông Thành cho biết, nhìn vào điều hành chính sách tiền tệ toàn cầu, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) có thể sẽ có động thái 3 lần tăng lãi suất trong năm 2023.
Lần 1 sẽ điều chỉnh vào tháng 2, có khả năng Fed chỉ tăng 0,25 điểm, thay vì 0,5 điểm. Bởi nếu tháng 11, lạm phát của Hoa Kỳ là 7,1% thì thị trường đang đặt cửa mức lạm phát có thể sẽ giảm từ 7,1% xuống 6,6-6,5%.
2 lần tăng lãi suất tiếp theo vào tháng 3 và tháng 5, đặc biệt đầu tháng 5 khả năng lãi suất tăng rất cao và là lần tăng lãi suất cuối cùng, sau đó sẽ duy trì ở mức đỉnh lãi suất đồng USD trên thị trường liên ngân hàng từ 5-5,25% cho đến cuối năm.
“Như vậy, cuối tháng 5, Việt Nam không phải chạy đua lãi suất trong nước với đồng USD, áp lực tỷ giá qua đi. Đây cũng là dư địa để đổi mới chính sách, ổn định vĩ mô”, ông Thành cho hay.
Tác động thứ 2 để Việt Nam điều chỉnh chính sách nhìn từ nước ngoài là việc Trung Quốc mở cửa.“Quý 1 ở Trung Quốc có rơi hỗn loạn nhưng khoảng tháng 4 và tháng 5, nước này sẽ tự tin hơn vào chính sách mở cửa, tạo cú hích về khôi phục tổng cầu nội địa. Đây là cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này cũng như đón khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam”, ông Thành nhận định.
Vị chuyên gia đến từ Đại học FulBright Việt Nam cũng nhấn mạnh tính chủ động trong điều hành chính sách vĩ mô. Theo ông Thành, trong 2 quý đầu năm, kinh tế Việt Nam vẫn đối diện với nhiều khó khăn, nhưng “khe cửa hẹp” sẽ xuất hiện vào tháng 5 và tháng 6. Vì vậy, để có thể tận dụng “khe cửa” này để đưa nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cần đẩy mạnh đầu tư công.
“Trong cạnh tranh chiến lược, chúng ta kỳ vọng vào đầu tư công, tiêu dùng trong nước để bù đắp cho suy giảm xuất khẩu, nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng cần phải giải ngân vốn FDI và vốn đầu tư công thì mới có bức tranh sáng”, ông Thành nhấn mạnh.