Tăng bán hàng ở 'sân nhà' - bệ đỡ giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng Việt
(DNTO) - Trong giai đoạn xuất khẩu còn "mờ nhạt" về tín hiệu hồi phục, các đơn hàng trong nước đang là cứu cánh của các doanh nghiệp. Để sân nhà thực sự là bệ đỡ, rất cần sự tiếp sức về vốn, khơi thông thị trường, cải cách hành chính..., để "kích" tiêu dùng.
Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan ghi nhận, nửa đầu tháng 4, xuất khẩu tiếp tục ảm đạm, đạt 13,23 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ, với 34/35 mặt hàng chính tăng trưởng âm. Lũy kế đến ngày 15/4, xuất khẩu cả nước đạt 92,5 tỷ USD, trong khi cùng kỳ đạt hơn 104 tỷ USD.
Khách hàng EU, Mỹ, Nhật Bản..., đều giảm đặt hàng từ các nhà cung ứng Việt Nam là nguyên nhân chính khiến các ngành hàng xuất khẩu kể trên bị sụt giảm mạnh. Với kết quả này, quy mô hàng hóa xuất khẩu trong quý I năm 2023 giảm 10,58 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Giữa lúc đơn hàng xuất khẩu lao dốc mạnh, chịu sức ép từ thị trường, từ lãi suất ngân hàng, các doanh nghiệp đang phải tìm mọi cách để tồn tại. Phương thức được nhiều doanh nghiệp lựa chọn là quay về phát triển thị trường nội địa.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jeans (VitaJean) nhận định, thực tế từ quý 3/2022 trở đi, các đơn hàng giảm dần do nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn giảm. Đứng trước khó khăn, Việt Thắng đã quyết định chuyển hướng, thay vì nhận đơn hàng nước ngoài về sản xuất thì tự làm ra sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, kết quả kinh doanh trong năm 2022 ở thị trường trong nước có mức tăng trưởng hơn gấp đôi so với năm trước đó.
Tương tự, bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chế biến gỗ Đức Thành, chia sẻ: "Trong giai đoạn xuất khẩu gặp khó khăn, thị trường nội địa cũng hỗ trợ doanh nghiệp bù đắp doanh thu. Nếu những năm trước tỷ trọng xuất khẩu của gỗ Đức Thành thường chiếm khoảng 85 - 86% so với tổng doanh thu của công ty, thì hiện nay chúng tôi đặt ra mục tiêu trong năm tới, tỷ trọng nội địa sẽ tăng trên 20%".
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, đứng trước tình hình xuất khẩu quá khó khăn, chủ trương quay về thị trường nội địa là đúng, bởi cơ cấu tiêu dùng của gần 100 triệu dân với mức thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng thì đã có nhiều thay đổi, chính vì vậy, đây là một “mỏ vàng tiêu thụ” mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tiếp tục mở rộng chuỗi phân phối của mình để khai thác triệt để.
Dẫn chứng về điểm tựa tại "sân nhà", ông Phú chỉ rõ, trong khi đầu tư xuất khẩu suy giảm thì khu vực dịch vụ trong đó có bán buôn bán lẻ vẫn có mức tăng trưởng, cụ thể lưu trú ăn uống tăng 15,98%, bán buôn bán lẻ tăng 8,09%...
"Con số này cho thấy, thị trường nội địa đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tiêu thụ hàng Việt. Chắc chắn trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, phải tiếp tục coi tiêu dùng nội địa là động lực quan trọng để góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm", ông Phú nhấn mạnh.
Trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các tập đoàn bán lẻ lớn của người Việt. Phối hợp để thúc đẩy sản xuất trong nước, thiết lập các chuỗi phân phối, xây dựng và cấp chứng chỉ cho hàng nghìn các sản phẩm OCOOP cho các địa phương và đang có nhiều triển vọng phát triển tiếp trong những năm tới.
Tuy nhiên, để "thắng" tại sân nhà không phải đơn giản, muốn giữ vững và phát triển được thị trường trong nước, Chính phủ cần tiếp tục xem xét cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, giảm thanh tra và kiểm tra định kỳ, có chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp khai mở thị trường mới…
“Hiện nhiều doanh nghiệp trong quá trình quay lại thị trường nội địa gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối hợp tác tiêu thụ với chuỗi bán lẻ, do vậy doanh nghiệp rất cần sự trợ lực của cơ quan quản lý trong việc tạo mối liên kết xây dựng chuỗi tiêu thụ”, ông Phú nêu rõ.
Đồng thời cho rằng, đơn vị bán lẻ trong nước nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu rút ngắn thời gian thanh toán tiền hàng, giúp doanh nghiệp có vốn lưu động, đáp ứng cho sản xuất và dự trữ...Về phía các ngân hàng nên nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tăng giá trị vốn vay lưu động ngắn hạn.
"Cần phải có trần lãi suất huy động để làm sao lãi suất cho vay khoảng 5 -6%/năm, biên độ từ 2 - 3% doanh nghiệp mới hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận”, ông Phú đề xuất.
Cùng với đó theo ông Phú, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh công khai minh bạch, tăng cường việc bán hàng đa kênh ở thị trường nội địa; hỗ trợ xúc tiến thương mại, liên doanh liên kết giữa sản xuất phân phối, xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, hệ thống các sàn giao dịch nông sản nằm trong các chợ đầu mối vùng để tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa và tính minh bạch công khai trên thị trường...