Tác động của Hiệp định Kinh tế RCEP
(DNTO) - Bắt nhịp những xu hướng và sự vận động của kinh tế thế giới, việc tham gia hiệp định kinh tế RCEP là bước tiến mới để kinh tế Việt Nam có thể trở thành tâm điểm phát triển và có nhiều cơ hội để bứt phá.
Sau 8 năm đàm phán rất tích cực, ngày 15/11/2020, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 37, 15 quốc gia, gồm 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 đối tác khu vực (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand) đã ký chính thức Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Lễ ký kết là niềm tự hào, thành quả to lớn của việc các nước ASEAN với vai trò trung tâm của mình đã cùng các đối tác đặt nền móng cho giai đoạn hợp tác mới, mang tính toàn diện, lâu dài hướng tới tương lai, phù hợp với trình độ phát triển và mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực”.
RCEP được coi là hiệp định thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử phát triển của kinh tế thế giới, là một biểu tượng đậm nét và tích cực của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Là thắng lợi của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do. Đó cũng là biểu tượng cho liên kết nội bộ ASEAN và hợp tác khu vực; là bước đột phá cho việc phát triển thương mại quốc tế và sự tiến bộ của giao lưu kinh tế, thương mại thế giới.
RCEP sẽ tạo nên một thị trường rộng lớn với quy mô hơn 2,2 tỉ dân, chiếm 30% dân số thế giới và gần 30% GDP toàn cầu. Theo dự tính, hiệp định này có thể mang lại thêm 209 tỷ USD hàng năm trong doanh thu toàn cầu và 500 tỷ USD cho thương mại thế giới vào năm 2030. Hiệp định này sẽ giúp cho nền kinh tế Đông Bắc Á và Đông Nam Á hoạt động hiệu quả hơn, kết nối được thế mạnh của các nền kinh tế của khu vực rộng lớn này về công nghệ, sản xuất, nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên.
RCEP là thành công của nỗ lực ngoại giao của các nước tầm trung ASEAN. Đó chính là những kiến trúc sư của hiệp định này. RCEP thúc đẩy sự tăng trưởng cùng có lợi đối với tất cả các thành viên, trong đó có các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Nhật Bản. Các nước Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi đáng kể từ RCEP, khoảng 19 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030. Đã vậy, hiệp định này giúp cho việc nâng cao lợi nhuận từ việc tiếp cận thị trường do được tăng cường các liên kết vận tải, năng lượng và thông tin liên lạc và thu hút đầu tư nước ngoài.
Việt Nam đã tham gia Hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nước và khu vực, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do (FTA, Hiệp định khung hợp tác kinh tế (ECA), Hiệp định đối tác kinh tế (EFA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định FTA ký kết với EU.
Tham gia RCEP, Việt Nam có thêm nhiều điều kiện thuận lợi. Đó là thế mạnh về nông, lâm, thủy sản có thể đáp ứng nhu cầu của hầu hết các thành viên. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng, năm 2019 đã vượt mức 38 tỷ USD, đạt kỷ lục mới. Sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam bao gồm các yếu tố ưu việt: (1) Chính trị và an ninh ổn định; (2) Tài nguyên thiên nhiên phong phú; (3) Chính phủ tích cực, chủ động, sáng tạo; (4) Mạng lưới FTA hoàn thiện; (5) Tiềm năng tăng trưởng của thị trường trong nước với gần 100 triệu dân; (6) Giá thành lao động thấp.
Động lực tăng trưởng kinh tế hiện nay dựa vào sự phối hợp các lợi thế trong nước và khả năng kết nối mạng sản xuất toàn cầu. Tư duy và hành động về mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế đã có những bước tiến lớn, đặt các nước trước ngưỡng cửa của chủ nghĩa đa phương mới. Sự đan xen của các quá trình hội nhập đa phương và song phương tạo ra một mạng lưới FTA theo nhiều tuyến và nhiều tầng. Đó chính là những yếu tố thuận lợi tác động đến các nền kinh tế trên thế giới trong đó có nước ta.
Bắt nhịp những xu hướng và sự vận động của kinh tế thế giới, việc tham gia hiệp định kinh tế RCEP là bước tiến mới để kinh tế Việt Nam có thể trở thành tâm điểm phát triển và có nhiều cơ hội để bứt phá. Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF chỉ ra rằng GDP của Việt Nam năm 2020 có thể đạt tới 340 tỷ USD và như vậy sẽ vượt qua Singapore để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN.
Các chuyên gia kinh tế có chung nhận định rằng, với cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện, chính trị xã hội ổn định, lực lượng lao động đang dồi dào, khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19 hiệu quả, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để trở thành nền kinh tế có bước phát triển cao của khu vực. Trong bối cảnh như vậy RCEP sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển vượt trội của kinh tế Việt Nam.