Số doanh nghiệp Việt có doanh thu 1 triệu USD/năm trên Amazon tăng gấp 10 lần trong 5 năm
(DNTO) - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam luôn tạo kỳ tích xuất khẩu xuyên biên giới, với số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD/năm trên Amazon đã tăng vọt, gấp 10 lần chỉ sau 5 năm.
Chia sẻ tại hội nghị “Thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2024 - Tinh hoa hàng Việt, cất cánh toàn cầu”, ngày 22/5, ông Gajae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, đánh giá tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam là vô cùng to lớn. Chỉ số tăng trưởng mạnh mẽ thể hiện sự linh hoạt, tinh thần chủ động vươn ra toàn cầu của các doanh nghiệp địa phương.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt Nam luôn tạo kỳ tích xuất khẩu xuyên biên giới với số lượng doanh nghiệp đạt doanh số 1 triệu USD/năm trên Amazon đã tăng vọt gấp 10 lần chỉ sau 5 năm. Không chỉ xuất khẩu sản phẩm các nhà xuất khẩu Việt Nam còn đầu tư phát triển thương hiệu, giúp tăng trưởng dài hạn.
“Trong 5 năm, số lượng các đối tác bán hàng Việt Nam tham gia chương trình đăng ký Thương hiệu của Amazon tăng gấp 35 lần. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đang ngày càng sử dụng hiệu quả các công cụ hỗ trợ nhà bán hàng của Amazon để tinh giản khâu vận hành kinh doanh”, ông Gijae Seong thông tin.
Đồng thời cho biết thêm, dữ liệu trong 5 năm qua từ Amazon cho thấy danh mục sản phẩm có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất từ các đối tác bán hàng Việt Nam gồm: sức khỏe và chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp. Xu hướng này phản ánh nỗ lực đổi mới không ngừng của các doanh nghiệp, liên tục mở rộng, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đáp ứng thị hiếu ngày càng tăng của khách hàng.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát mạnh mẽ và trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Doanh số thương mại điện tử bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua, đưa Việt Nam lọt top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất khu vực và thế giới.
Thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử lớn, đặc biệt là với các doanh nghiệp ở phía bắc còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực về phát triển thương mại điện tử, thiếu thông tin thị trường, kỹ năng xây dựng chiến lược kinh doanh, bảo vệ thương hiệu trong thương mại điện tử xuyên biên giới...
Dẫn chứng về việc chuyển đổi sang kinh doanh thương mại điện tử trực tuyến của các doanh nghiệp trong ngành, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, dệt may là ngành phát triển rất nhanh. Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may đã tăng 7% so với 2023, đạt kim ngạch 12 tỷ USD. Dù vậy, các thương hiệu Việt vẫn còn ít tên tuổi xuất hiện trong bản đồ dệt may thế giới. Đây là điểm yếu của các doanh nghiệp.
Theo đó, để giải quyết những khó khăn thách thức nêu trên, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng xuất khẩu của hàng Việt, đưa thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành bệ phóng thúc đẩy xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh quốc tế, cần sự phối hợp chung tay của cơ quan quản lý, các sàn thương mại điện tử lớn trong việc phân tích các lợi thế, khó khăn để giúp cho các doanh nghiệp nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài, qua đó cải tiến sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng quốc tế.
Đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao toàn diện năng lực triển khai thương mại điện tử xuyên biên giới của các doanh nghiệp như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; các giải pháp chuyên sâu cho các nhóm ngành hàng phù hợp để thúc đẩy tiêu thụ qua thương mại điện tử; tối ưu chi phí; ứng dụng công nghệ số; cải thiện vấn đề logistics, thanh toán quốc tế...
"Về phía doanh nghiệp, khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới, không thể mang tư duy kinh doanh ngắn hạn, chụp giật vì rất dễ bị "tuýt còi". Kinh doanh bài bản, có chiến lược đi kèm bảo vệ thương hiệu được nhấn mạnh sẽ là con đường tốt nhất để gắn kết, mở rộng khách hàng trong kinh doanh", bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh.