Sản phẩm lành mạnh lên ngôi sau đại dịch
(DNTO) - Trải qua trận đại dịch, ý thức của con người về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần có sự thay đổi rõ rệt. Người dùng ý thức nhiều hơn về việc chăm sóc sức khỏe. Các sản phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe được ưu tiên lựa chọn; từ đây đặt ra yêu cầu mới cho các doanh nghiệp sản xuất.
Đây là những nội dung được đề cập tại tại hội thảo "Cần làm gì trước xu hướng tiêu dùng sản phẩm tốt cho sức khỏe hậu đại dịch?", do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tổ chức tại TP.HCM hôm qua, 17/6.
39% người tiêu dùng mua các sản phẩm có yếu tố sức khỏe
Bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, Quản lý cấp cao Neilseniq Việt Nam cho biết, một số yếu tố chính tác động đến sự lựa chọn sản phẩm lành mạnh của người tiêu dùng đó là muốn bảo vệ bản thân trước các đại dịch sắp tới; muốn sống lâu, thọ và sống khỏe mạnh hơn; muốn tránh các căn bệnh khác. Theo đó, họ gia tăng chi phí cho các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, các sản phẩm lành mạnh bởi họ nghĩ, khỏe mạnh là cách để tiết kiệm tiền chữa bệnh.
Báo cáo của Nielsen cho thấy, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) tiếp tục tăng trưởng trở lại. Tốc độ tăng trưởng về doanh thu của những ngành hàng FMCG tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng tăng đáng kể. Trong đó, sản phẩm thuốc không kê đơn và thuốc bổ trợ sức khỏe tăng trưởng 16,8%, một chỉ số cao của các ngành hàng FMCG.
Khảo sát của Nielsen cũng chỉ ra rằng, các hành động cụ thể của người tiêu dùng nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe đó là 39% người tiêu dùng cho biết họ mua các sản phẩm có yếu tố sức khỏe lành mạnh trong 2 năm qua; 32% người tiêu dùng chọn lựa các sản phẩm lành mạnh có ghi nhãn; 29% người dùng chọn các sản phẩm có tính thư giãn; 26% người dùng chọn các sản phẩm có chế độ dinh dưỡng đặc biệt (No Gluten, nuts, lactose, allergens)…
Người tiêu dùng khu vực APAC cũng sẵn sàng mua và tăng chi tiêu cho sản phẩm có thông tin liên quan đến vệ sinh. Theo đó, có 74% người tiêu dùng khu vực APAC cho rằng sản phẩm về vệ sinh và bảo vệ sức khỏe rất quan trọng và trong đó có 77% sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua những sản phẩm đó.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, bà mới trở về từ Hội chợ Thaifex Anuga Asia 2022. Bà thấy, xu hướng tiêu dùng hiện nay đó là quan tâm thực phẩm dựa trên thực vật (plant-based). Nhiều món ăn gây chú ý tại Thaifex Anuga Asia 2022 theo kiểu plant-based là phô mai chay bằng bí đỏ, súp sầu riêng Thái, thịt nướng từ nấm… Những món ăn này được làm từ thực vật nhưng mùi vị không khác so với thực phẩm từ thịt thật.
Song song đó là xu hướng sử dụng sản phẩm tốt cho sức khỏe (sản phẩm sạch; siêu thực phẩm; sản phẩm hữu cơ).
Theo bà Hạnh, quyết định mua hàng của người tiêu dùng hiện nay có nhiều thay đổi. Họ quan tâm thực phẩm tốt cho sức khỏe, mang lại sự đa dạng cho chế độ ăn uống và thân thiện với môi trường.
Doanh nghiệp phải làm gì?
Theo bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, xu hướng tiêu dùng của người dân thay đổi, tạo cơ hội cho những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tốt cho sức khỏe, những sản phẩm có sự khác biệt.
Đồng thời, người dùng hiện nay cũng quan tâm nhiều tới vấn đề sản phẩm xanh, sản phẩm bảo vệ môi trường, sản phẩm được sản xuất bền vững. Theo đó, những doanh nghiệp ngành FMCG cần đẩy mạnh sử dụng nhựa tái chế, bao bì tái chế và tự phân hủy, thay đổi theo hướng bền vững. Một số nhãn hàng cũng đang có lộ trình cụ thể cho việc chuyển bao bì hiện nay sang các dạng bao bì có yếu tố thân thiện với môi trường.
Ông Trần Việt Anh, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho biết, trong năm qua Việt Nam nhập khẩu 7,5 triệu tấn nhựa, bao bì chiếm hơn 37%, riêng bao bì không tự hủy chiếm hơn 1 triệu tấn.
Cũng theo ông Anh, bao bì tự hủy là hướng tái chế mang tính tương lai, không chỉ doanh nghiệp mà người tiêu dùng cũng đang hướng đến điều này. Hình dáng túi tái chế không đẹp, không thu hút nhưng đây lại là sản phẩm được các doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn và mua với giá cao hơn 10-20% so với túi chính phẩm.
Tuy nhiên, đây là bài toán khó đối với nhiều nhãn hàng khi ảnh hưởng trực tiếp với giá thành sản phẩm. Vì vậy, ông Anh cho rằng, cơ quan chức năng cần có những chính sách ưu tiên cho hàng hóa sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, cũng như công nghệ sản xuất bao bì tự hủy, công nghiệp tái chế...
Trong lĩnh vực nước uống, ông Nguyễn Văn Long, trưởng phòng Kỹ thuật & Quản đốc sản xuất công ty Cổ phần nước Hoàng Minh cho biết, xu hướng phát triển về thực phẩm tốt cho sức khỏe hiện nay đã tạo điều kiện cho sản phẩm nước uống I-on Life phát triển, quan điểm của người tiêu dùng đang dần thay đổi, nước uống không chỉ cần sạch và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn phải tốt cho sức khỏe.
Báo cáo của Nielsen cho thấy, sau đại dịch, 39% dân số thế giới bị béo phì; 1/10 dân số của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang có vấn đề về sức khỏe tinh thần; 20% người tiêu dùng của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết tăng cân ngoài ý muốn; so với năm 2020 tỉ lệ trẻ béo phì tăng lên 50%; 40% phụ huynh không ý thức được là con mình béo phì; 27% người lớn không có các hoạt động thể chất đầy đủ...
Báo cáo của Nielsen cũng cho thấy sau hai năm dịch, 83% người Việt giảm thiểu việc ăn/uống bên ngoài; người tiêu dùng chuộng hàng nội địa, và mua sắm trực tuyến nhiều hơn; 17% chỉ mua hàng tiêu dùng nội địa; 59% đa phần mua hàng tiêu dùng nội địa; 64% sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên hơn sau Covid-19; 63% người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau Covid-19...