Mùa đông và nỗi lo đột quỵ thường trực ở người cao tuổi
(DNTO) - Theo BS. Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi. Nếu bỏ lỡ “thời gian vàng” cấp cứu, người bị đột quỵ có khả năng tử vong cao, nhiều bệnh nhân được cứu nhưng phải sống với di chứng nặng nề suốt đời.
Ước tính mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, 50% trong số đó tử vong, chỉ có 10% những người sống sót là bình phục không có di chứng.
Theo Hội phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, đột quỵ đứng thứ ba về nguyên nhân gây tử vong (sau bệnh tim và ung thư) và dẫn đầu trong các nguyên nhân gây nên tàn tật.
Theo kết quả nghiên cứu của PGS. TS. BS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), độ tuổi trung bình người dân Việt Nam hiện nay bị đột quỵ khoảng 65 tuổi; độ tuổi dưới 45 chỉ chiếm hơn 7%. Trong đó, gần 80% nguyên nhân là do tăng huyết áp; tỷ lệ nam gặp đột quỵ lớn gấp 1,5 lần so với nữ... Đặc biệt, mới chỉ có 33% người bị đột quỵ được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong 6 giờ đầu.
TS. BS. Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Hà Nội) cho biết, số người nhập viện mỗi năm do đột quỵ vào mùa lạnh, chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.
Đột quỵ là bệnh lý cấp tính, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, không có dấu hiệu báo trước, được chia làm 2 dạng là: thiếu máu não (hơn 80%) và vỡ mạch máu não. Tất cả đều gây tổn thương mạch máu não. Bệnh xuất hiện ở người trẻ và người già, song người cao tuổi có nhiều yếu tố thuận lợi dẫn đến xuất hiện đột quỵ hơn.
Khi thời tiết lạnh sâu, nhiệt độ giảm đột ngột, cơ thể của người cao tuổi thích nghi rất chậm, do đó các bệnh mãn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường...) dễ biến chứng. Bên cạnh đó, khi thời tiết lạnh, các mạch máu bị co lại, sẽ đẩy huyết áp tăng cao, dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
Nếu được cấp cứu kịp thời trong khoảng từ 3 – 6 giờ đầu ngay sau khi bị đột quỵ và được điều trị đặc hiệu bằng thuốc tiêu huyết khối thì khả năng phục hồi là rất cao. Ngược lại, nếu lỡ "thời gian vàng", người bệnh có thể tử vong hoặc có cứu được cũng để lại di chứng nặng nề, khiến người bệnh tàn phế, liệt, nằm trên giường bệnh suốt đời.
Các chuyên gia khuyến cáo, người cao tuổi cần được thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ và nhanh chóng đến bệnh viện nếu gặp các triệu chứng như: tê hoặc yếu cơ (đặc biệt là thường xảy ra ở một bên cơ thể); mất thị lực hoặc nhìn mờ; hay quên, chóng mặt, đi lại khó khăn, khó cử động; nói ngọng, khó nói, lưỡi bị tê cứng…