RCEP - sự thụt lùi ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Nam Á
(DNTO) - Sau 8 năm đàm phán, 15 quốc gia châu Á Thái Bình Dương vừa ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một trong những hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới hôm 15/11. Lễ ký diễn ra trực tuyến, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội.
Theo các nhà phân tích, thỏa thuận này sẽ đưa ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Trung Quốc lên cao trong khu vực.
Việc ký thỏa thuận này đã khiến RCEP trở thành khu vực thương mại lớn nhất toàn cầu với thị trường khoảng 2,2 tỉ dân, và chiếm 26.200 tỉ USD kinh tế toàn cầu. Con số nêu trên chiếm 30% dân số và kinh tế toàn cầu, đây cũng là khu vực kinh tế lớn hơn Hiệp định mới giữa Hoa Kỳ, Mexico và Canada (USMCA) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (FTA).
Theo các nhà phân tích, lợi ích kinh tế của RCEP khá khiêm tốn và cần nhiều năm để hiện thực hóa. Tuy nhiên ý tưởng này là thắng lợi địa chính trị của Trung Quốc trong thời điểm và Mỹ có vẻ như đang rút chân ra khỏi châu Á Thái Bình Dương với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của tổng thống Donald Trump.
Cũng theo các nhà phân tích, hiện chưa rõ liệu Mỹ có ký siêu thỏa thuận nào dưới thời của tống thống Biden hay không.
Có 10 nước Đông Nam Á ký siêu thỏa thuận này cùng với các đối tác thương mại lớn là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Các quốc gia Đông Nam Á tham gia thỏa thuận này bao gồm Indonesia, Thái lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Brunei, Campuchia, Myanmar và Lào.RCEP cho thấy Đông Á hiện đang rất mở cửa thị trường và nhận thấy sự có lợi về kinh tế với hội nhập thương mại sâu hơn.
RCEP được khởi động từ tháng 11/2012 trong thời điểm mà TPP cũng đang được tiến hành bởi chính quyền tổng thống Obama.
Với việc TPP không có Trung Quốc nhưng bao gồm nhiều đối tác thương mại lớn nhất của họ, như Nhật Bản và Australia, cũng như các nước láng giềng của Trung Quốc như Việt Nam và Malaysia. Sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận đó, 11 quốc gia còn lại đã tiếp tục duy trì hiệp định và đổi tên thành CPTPP.
Theo đánh giá, RCEP là thỏa thuận thương mại yếu hơn so với CPTPP. Sắc thuế giữa các thành viên RECP hiện đã thấp do có nhiều thỏa thuận thương mại song phương và đa phương nhỏ hơn giữa các thành viên RCEP, do vậy lợi ích kinh tế trong RCEP là hạn chế.
“Hiện có tới 70% thương mại trong khối ASEAN có mức thuế bằng 0”, Gareth Leather nhà kinh tế thuộc Capital Economics nói.
Đối với một số chuyên gia thương mại, thỏa thuận mới này cho thấy phần còn lại của thế giới sẽ không chờ đợi Mỹ. Liên minh châu Âu cũng đã tích cực theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại. Khi các nước khác ký kết thỏa thuận mới, các hãng xuất khẩu Mỹ có thể dần mất chỗ đứng.