Quỹ 'Tổn thất và Thiệt hại' tại COP27: Nước giàu khó ‘né’ trách nhiệm với nước nghèo
(DNTO) - Sau nhiều năm các nước giàu phản đối việc việc tài trợ cho các nước nghèo để bù đắp tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu, thì tại Hội nghị COP 27, Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” được thành lập, kỳ vọng sẽ hiện thực hóa cam kết bồi thường đó.
Không còn lời hứa suông
Những bất đồng liên quan tài chính khí hậu trong vấn đề bồi thường “tổn thất và thiệt hại” tiếp tục khiến bàn đàm phán của Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) COP27 “nóng” lên trong những giờ cuối cùng.
Nhiều năm nay, các nước giàu thường “né” việc tài trợ bù đắp tổn thất và thiệt hại cho các nước nghèo trước biến đổi khí hậu để bù đắp tổn thất và thiệt hại. Nhưng tại COP27, chuyện này đã khác.
Cụ thể, các nước phát triển được yêu cầu đóng góp vào quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” nhằm tài trợ cho các nước đang phát triển phải gánh chịu hậu quả của biến đổi khí hậu, bên cạnh các nguồn kinh phí tư nhân và quỹ công khác như các thể chế tài chính quốc tế.
Việc này khiến nội dung liên quan Quỹ "tổn thất và thiệt hại" vốn không nằm trong chương trình nghị sự chính thức ban đầu, đã trở thành thành chủ đề được quan tâm nhất tại COP27, buộc Hội nghị phải kéo dài thời gian làm việc thêm 1 ngày so với dự kiến.
Nhưng việc COP27 đạt được Thỏa thuận về việc thành lập Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” được xem là bước tiến “lịch sử” để đòi lại công bằng cho những nước nghèo, nước nhỏ kém phát triển đang hứng chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Bởi lẽ, thiệt hại GDP do biến đổi khí hậu của các nước thu nhập trung bình và thấp hơn nhiều hơn khoảng 3,6 lần so với các nước giàu, theo báo cáo S&P Global. Ví dụ các nước khu vực Nam Á như Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka phải đối mặt với cháy rừng, lũ lụt, thiếu nước… đồng nghĩa với nguy cơ thiệt hại từ 10% -18% GDP, cao gần gấp 3 lần so với Bắc Mỹ và gấp 10 lần so với châu Âu, nơi ít bị ảnh hưởng nhất. Hay tại Pakistan, chỉ riêng lũ lụt đã “thổi bay” 30 tỷ USD của nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc thành lập quỹ có thể phải đi kèm với tham vọng lớn hơn nhằm cắt giảm lượng khí thải dẫn đến sự nóng lên toàn cầu.
Con đường đến hành động
Nhiều năm qua, bài toán tài chính khí hậu luôn là vấn đề nóng được đưa ra trên các bàn nghị sự của các bên trong nhiều năm, nhưng sau đó vẫn chưa được thực hiện. Điển hình là cam kết của các nước phát triển về việc tài trợ 100 tỷ USD/năm cho các nước nghèo thích nghi, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tại COP27 năm nay, những bất đồng liên quan đến tài chính khí khậu cũng không ngoại lệ, dẫn đến những quan ngại về triển vọng hiện thực hóa các cam kết trong hội nghị.
Bên cạnh đưa ra lập trường ủng hộ Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại”, Liên minh châu Âu (EU) cũng nêu ra điều kiện là những nền kinh tế mới nổi, phát thải nhiều như Trung Quốc cũng phải tham gia đóng góp vào quỹ này, thay vì chỉ giới hạn nhiệm vụ đóng góp của EU, Mỹ hay các quốc gia gây ra nhiều khí thải trong lịch sử.
Ngay cả cái gật đầu của các bên liên quan trong COP27 về Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” cũng mới chỉ là Thỏa thuận mang tính ban đầu. Những nội dung cụ thể như nguồn tài trợ, quy chế hoạt động của Quỹ sẽ phải chờ thêm 1 năm nữa, trong các buổi thảo luận tại Hội nghị COP28 vào năm 2023 thông qua một “Ủy ban chuyển tiếp”. Ở đó, người ta mong muốn được nhìn thấy những cam kết được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể và mạnh mẽ hơn.
Bởi lẽ theo Chủ tịch COP26 Alok Sharma, so với kỳ họp trước, COP27 vẫn còn thiếu nhiều cam kết về mục tiêu lượng khí thải đạt đỉnh trước năm 2025, việc loại bỏ từng bước sử dụng than đá, các cam kết rõ ràng về việc loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch hay chuyển đổi năng lượng.
Về phía Việt Nam, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, tái khẳng định “cam kết đi đôi với hành động” trong thực hiện các mục tiêu khí hậu ở Hội nghị COP27. Cụ thể, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng với các nước trao đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực từ các nước phát triển. Nguồn lực này cần được phân bổ một cách minh bạch, cân bằng cho nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của các quốc gia đang phát triển và kém phát triển.