OPEC+ cắt giảm sản lượng, phố Wall tiếp tục chịu áp lực từ Fed
(DNTO) - Các chỉ số chứng khoán của Mỹ giảm hôm thứ Ba, do triển vọng về chính sách thắt chặt hơn nữa của Cục Dự trữ Liên bang và cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
S&P 500 giảm 16,07 điểm, tương đương 0,4%, xuống 3908,19 sau kỳ nghỉ Ngày Quốc tế Lao động. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 173,14 điểm, tương đương 0,6%, xuống 31145,30. Nasdaq Composite tập trung vào công nghệ mất 85,96 điểm, tương đương 0,7%, xuống 11544,91, giảm bảy ngày giao dịch liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 11/2016.
Trong S&P 500, 7 trong số 11 lĩnh vực chìm trong sắc đỏ, 4 nhóm tăng gồm công nghiệp, chăm sóc sức khỏe, bất động sản và tiện ích. Chứng khoán trên toàn cầu đã chịu áp lực trong những tuần gần đây do lo ngại về chính sách tiền tệ thắt chặt hơn ở Mỹ và triển vọng kinh tế đen tối ở châu Âu khiến các nhà đầu tư bán đi tài sản rủi ro nhiều hơn.
Nhiều nhà đầu tư cho biết họ đã mất hy vọng đà tăng của phố Wall từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 8 là sự khởi đầu của một thị trường tăng giá mới và thay vào đó họ chấp nhận đó có thể là một đợt phục hồi của thị trường giá xuống. Chỉ số S&P 500 đã giảm 9,2% so với mức đỉnh tháng 8, dựa trên mức đóng cửa ngày thứ Ba (6/9).
Chỉ số ngành dịch vụ ISM, một thước đo các điều kiện kinh doanh của các công ty lớn về nhà hàng và khách sạn, đã tăng lên 56,9% trong tháng 8 từ mức 56,7% của tháng trước, theo Viện Quản lý Cung ứng. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2022. Các nhà kinh tế được The Wall Street Journal thăm dò đã dự đoán chỉ số này sẽ giảm xuốngcòn 55,5%.
Trái ngược với điều đó, một cuộc khảo sát riêng từ S&P Global Market Intelligence cho thấy chỉ số Hoạt động Kinh doanh PMI Dịch vụ của Hoa Kỳ (bao gồm cả công ty vừa và nhỏ) đã giảm xuống 43,7 trong tháng 8, giảm so với ước tính “chớp nhoáng” là 44,1 và mức 47,3 vào tháng 7.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng việc tiếp tục tăng lãi suất tích cực sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài. Người tiêu dùng đang cảm thấy đặc biệt thất vọng và các nhà phân tích đã bắt đầu hạ thấp ước tính thu nhập doanh nghiệp quý III/2022. Áp lực gia tăng lên các công ty và người tiêu dùng, đè nặng lên giá cổ phiếu.
Trên thị trường trái phiếu Mỹ, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm, vốn nhạy cảm hơn với kỳ vọng chính sách ngắn hạn của Fed, đã tăng lên 3,499%, mức cao thứ hai trong năm nay. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn tăng lên 3,339%, mức cao nhất kể từ ngày 15/6. Lợi suất tăng khi giá trái phiếu giảm.
Trên thị trường năng lượng, dầu thô Brent giảm 2,91 USD/thùng, tương đương 3% xuống 92,83 USD, trong bối cảnh gia tăng lo ngại tình trạng phong toả ở Trung Quốc có thể ngăn nhu cầu. Trong khi đó, giá khí đốt theo tiêu chuẩn Châu Âu đã giảm khoảng 11% sau khi tăng 1/3 vào một thời điểm của hôm thứ Hai (5/9).
Hôm thứ Hai, lần đầu tiên OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu trong hơn một năm qua, giảm khoảng 100.000 thùng/ngày trong bối cảnh lo ngại về suy thoái toàn cầu và dầu thô của Iran sẽ được tung ra thị trường trong trường hợp đạt được thỏa thuận hạt nhân.
Thị trường chứng khoán châu Âu phục hồi sau khi giảm trong phiên 5/9, thời điểm Nga ngừng vô thời hạn các dòng khí đốt tự nhiên qua một đường ống chính. Stoxx Europe 600 toàn lục địa tăng 0,2%, trong khi DAX của Đức tăng 0,9%. Bảng Anh ít thay đổi sau khi trượt xuống mức thấp nhất so với đô la Mỹ kể từ năm 1985.
Việc giảm giá trên thị trường năng lượng hôm thứ Ba là một trong những chất xúc tác cho sự phục hồi của chứng khoán châu Âu. Bây giờ, sự chú ý đã chuyển sang quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu vào thứ Năm. Tại Vương quốc Anh, nhiều nhà đầu tư cũng đang tập trung vào chương trình nghị sự phía trước của Liz Truss, người đã giành chiến thắng trong cuộc đua để lãnh đạo Đảng Bảo thủ cầm quyền và trở thành thủ tướng tiếp theo của Anh.
Tại châu Á, Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,1%, trong khi Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 1,4%. Nikkei 225 của Nhật Bản đã kết thúc gần như không thay đổi.