Nông dân 'khóc ròng' giữa đại dịch
(DNTO) - Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá vật tư đầu vào cao ngất ngưởng, trong khi đầu ra tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá tụt thê thảm, "bán như cho" khiến nông dân chỉ biết than trời khi bao vốn liếng, công sức đổ sông đổ biển.
Mùa vụ "đắng"
Ghi nhận tại các tỉnh, thành phía Nam những ngày đầu tháng 8/2021 cho thấy, giá phân bón hiện đang tăng rất cao so với hồi đầu năm nay. Nhất là một số loại phân bón nhập khẩu như phân SA bột, DAP, Kali đã tăng 50 - 70%. Còn giá phân bón trong nước với các loại như NPK, DAP, Urê cũng tăng 20 - 70%.
Ông Vũ Duy Hải - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Vinacam cho rằng từ tháng 4/2021 đến nay, dù các doanh nghiệp đã nhập khẩu khẩn gần 200.000 tấn Urê các loại, cao hơn cả khối lượng cùng kỳ năm trước nhưng giá thị trường trong nước vẫn không hề có dấu hiệu dừng lại. Từ đầu tháng 6/2021, phân Urê không còn "mỗi ngày mỗi giá" mà là "mỗi giờ... mỗi giá".
Thực tế này khiến nhiều nông hộ luôn ở tâm trạng “vừa làm, vừa lo”. Chẳng hạn với trung bình 1ha lúa Hè Thu, nông dân phải bón thêm ít nhất từ 2-3 bao phân bón so với vụ Đông Xuân. Hơn hết, giá phân bón tăng kéo theo các chi phí khác cũng tăng như xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống.
Nếu như giá phân bón, thuốc trừ sâu là nỗi ám ảnh của người trồng trọt thì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao cũng là áp lực đối với các nông hộ chăn nuôi giữa đại dịch Covid-19 đợt 4.
Ghi nhận trong nửa đầu tháng 8/2021 cho thấy hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đều gửi thông báo tới các khách hàng và đại lý về điều chỉnh giá bán mới với mức tăng từ 250 đồng/kg – 4.000 đồng/kg tùy doanh nghiệp và chủng loại thức ăn.
Điều này khiến cho các nông hộ chăn nuôi như đuối dần trong bối cảnh giá thương lái thu mua thấp hơn giá thành, thậm chí ách tắc cả đầu ra như đối với gà công nghiệp ở các tỉnh phía Nam.
Tại hội nghị trực tuyến mới đây về tình hình sản xuất nông sản ở các tỉnh phía Nam giữa dịch Covid-19, đại diện các Sở NN&PTNT cũng phản ánh một nghịch lý, giá phân bón và thức ăn chăn nuôi đang không ngừng leo thang trong khi giá tiêu thụ các sản phẩm nông sản lại tụt dốc.
Cụ thể, nan giải lớn nhất hiện nay ở các địa phương trong vùng là thương lái khó vào địa bàn để thu mua hay bỏ cọc và đề nghị mua với giá thấp. Một số nơi diện tích lúa đã đến thời điểm thu hoạch mà người dân vẫn “ngóng” thương lái.
Đơn cử như tại Đồng Tháp, vụ lúa Hè Thu 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, thương lái thu mua lúa của người dân chậm, nhiều thương lái đã bỏ cọc, khiến người dân bất an.
Một số nông dân cho biết, khó khăn trong khâu vận chuyển nên đã kéo giá lúa xuống thấp, có thời điểm giá lúa giảm gần 1.000 đồng/kg. Điều này khiến họ đứng ngồi không yên, vì sau khi trừ hết chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công thì không còn lời lãi gì.
Dự báo, giá lúa khó có thể tăng trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp đang chật vật với phương án “3 tại chỗ” và nhiều doanh nghiệp lượng gạo tồn kho còn khá nhiều, việc thu mua lúa sẽ không nhiều.
“Tình hình này thì giá lúa không nên nổi, thương lái vào địa bàn mua cũng khó, test nhanh thời hạn chỉ được 3 - 5 ngày, qua các chốt kiểm tra cũng khó khăn” - đại diện hộ nông dân chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh phản ánh, do công tác lưu thông, giết mổ, chế biến và tiêu thụ gián đoạn khiến giá các mặt hàng gà công nghiệp, heo hơi giảm bán dưới giá thành sản xuất.
"Giá gà rớt thê thảm chỉ còn 7.000 đồng/kg gà trắng. Giá một con gà còn thua một kg rau. Có nhiều tình trạng thiêu bỏ gà con do vận chuyển dư thừa, ế ẩm…." - ông Xuân cho hay.
Có thể nói, trước nghịch lý giá cả vật tư đầu vào “leo thang”, còn đầu ra thì bấp bênh, giá tụt giảm thê thảm, khiến nông dân chỉ biết than trời ngậm ngùi với "mùa vụ đắng". Không chỉ vậy, mùa vụ tới có nên tiếp tục làm hay dừng lại cũng là điều mà các nông hộ đắn đo như đứng giữa “ngã ba đường” trong lúc khó khăn này.
Cần có tính liên kết chặt chẽ hơn nữa
Nhìn từ câu chuyện đầu ra cho nông sản ở các tỉnh phía Nam đang gặp khó giữa đại dịch Covid-19 đợt 4, một lần nữa bài học liên kết để gỡ khó cho người nông dân lại được đặt ra. Nhất là khi dịch bệnh đang cho thấy những bất cập của chuỗi cung ứng nông sản, đòi hỏi cần có tính liên kết chặt chẽ hơn nữa.
Trong vấn đề tiêu thụ nông sản nhằm gỡ khó cho nông dân giữa đại dịch Covid-19 đợt 4, giới chuyên gia cho rằng trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, cơ quan chức năng có liên quan là rất cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là cần phải rút ra được bài học từ tính liên kết để người nông dân không phải chật vật đầu ra.
Nhất là khi dịch Covid-19 đã chứng tỏ tình trạng liên kết kém hiệu quả, bất cập trong các chuỗi cung ứng ngành hàng nông sản ở các tỉnh phía Nam, dẫn đến số lượng lớn nông sản tồn đọng, khối lượng hàng tồn trong các kho trữ lạnh và tình trạng thiếu linh hoạt trong hoạt động kết nối tiêu thụ.
Do đó, bài học liên kết rút ra cho chuỗi cung ứng nông sản giữa đại dịch là đòi hỏi phải có tốc độ nhanh hơn, tính linh hoạt cao hơn, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng khẩn trương hơn. Tức là ngành hàng nông sản phải định hình lại chuỗi cung ứng có tính liên kết chặt chẽ, tổng lực hơn.
Nhất là ở thị trường tiêu thụ nông sản trong nước, bên cạnh các vấn đề khó khăn chủ quan do dịch Covid-19 gây ra thì rất cần xây dựng nhiều chuỗi cung ứng hơn với vai trò lớn của doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX).
Điển hình như tại tỉnh Tiền Giang, ghi nhận mới nhất cho thấy, trong nửa đầu tháng 8 toàn tỉnh có 1.426ha rau màu cho thu hoạch, với sản lượng khoảng 21.400 tấn và đã được tiêu thụ hết, do sớm xác định mục tiêu trong việc tiêu thụ nông sản lúc này là ưu tiên thị trường nội địa thông qua kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và nông dân nhằm giảm gánh nặng đầu ra của nông sản.
Hay như HTX bưởi Thành Công ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng). Mặc dù giữa giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, nhưng các nhà vườn là thành viên của HTX đã đề nghị công ty thu mua bưởi tại huyện Kế Sách cử người trực tiếp ở ngay tại địa phương để thu mua trái bưởi. Trong khi đó, HTX sẽ đứng ra thu mua bưởi về giao lại cho phía công ty vận chuyển đi tiêu thụ, không để xảy ra tình trạng tồn đọng, ép giá...
Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế thông thoáng để khuyến khích doanh nghiệp có tiềm lực tham gia tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Thường xuyên dự báo thị trường tiêu thụ, giá cả hàng hóa nông sản theo tháng hoặc theo mùa để người dân, doanh nghiệp chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần bình ổn thị trường, tránh tình trạng “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”.
Qua câu chuyện trên có thể thấy, nếu có sự liên kết tốt, chuẩn bị bài bản và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp, thì dù dịch Covid-19 có phức tạp thì việc tiêu thụ nông sản vẫn được khơi thông. Đây có thể xem là bài học về sự liên kết để các nông dân tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị nông sản, giữa "cái khó ló cái khôn", phát huy vai trò làm chủ thực sự của người nông dân.