Giá phân bón bao giờ mới 'hạ nhiệt'?
(DNTO) - Giá phân bón tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021 và "cơn sốt" này được dự báo tiếp tục kéo dài đến hết năm nay, bất chấp nỗ lực điều tiết giá của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Giá phân bón vẫn tự do leo thang
Sáng nay, 7/8, tại cuộc họp trực tuyến về "Tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu long", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chi phí vận tải tăng cao, chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu toàn cầu dễ bị đứt gãy, giá phân bón trong nước cũng như trên thế giới từ nay đến cuối năm 2021 vẫn sẽ tiếp tục "leo thang".
Cụ thể, Cục Bảo vệ Thực vật cho hay, với giá phân bón sản xuất trong nước: Phân urê (đạm Cà Mau): tăng 72% (từ 6.800 đ/kg lên 11.700 đ/kg); phân DAP (Đình Vũ): tăng 67,3% (từ 8.550 đ/kg lên 14.300 đ/kg); phân NPK (Bình Điền): tăng 24,3% (loại NPK 16-16-8+13S từ 8.860 đ/kg lên 10.760 đ/kg).
Với phân bón nhập khẩu: Phân SA bột của Trung Quốc tăng 60,6% (từ 3.270 đ/kg lên 5.250 đ/kg); phân DAP 64% nhập khẩu Trung Quốc tăng 50% (từ 11.200 đ/kg lên 16.800 đ/kg); phân Kali tăng 72,9% (kali hạt miểng Israel từ 6.650 đ/kg lên 11.500 đ/kg).
"Tỷ lệ tăng giá của phân bón nhập khẩu cao hơn so với phân bón sản xuất trong nước", Cục Bảo vệ Thực vật nhấn mạnh.
Thị trường phân bón được nhận định sẽ còn nhiều biến động, giá urê thế giới trong 6 tháng cuối năm 2021 được dự báo vẫn tiếp tục đà tăng từ quý II/2021 và nhiều thị trường vượt mức giá 400 USD/tấn FOB. Đây là mức cao trong 10 năm trở lại đây.
Cụ thể, nguồn cung ứng urê xuất khẩu hạn chế ở nhiều nhà máy, tại nhiều khu vực trên thế giới, do tăng cường hoạt động bảo dưỡng sau khi bị trì hoãn trong năm 2020 do yếu tố dịch Covid-19 sẽ góp phần duy trì giá bán của các nhà sản xuất trong những tháng cuối năm.
Nguyên nhân chính khiến giá phân bón tăng mạnh, theo Cục Bảo vệ Thực vật, là do giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao.
Trong 7 tháng qua, các nguyên liệu chính để sản xuất phân bón đã tăng mạnh, cụ thể, giá lưu huỳnh tăng 233% (từ 95 USD/tấn lên 221 USD/tấn), giá axit sunfuric (H2SO4) tăng 232%, giá khí amoniac (NH3) tăng 220%, giá quặng apatit tăng 7,7%.
Bên cạnh đó, giá dầu thế giới tăng và container rỗng bị thiếu đã kéo theo giá cước vận tải tăng lên 3-5 lần.
"Nhìn toàn cảnh từ nhu cầu tăng cao đến các yếu tố đầu vào sản xuất, vận chuyển thì giá các loại phân bón trên thế giới dự báo trong tháng 8 vẫn tiếp tục tăng nóng, thậm chí khó có thể hạ nhiệt trong năm nay" - Cục Bảo vệ Thực vật nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều nhà máy sản xuất phân bón phải đóng cửa khiến nguồn cung trên toàn thế giới giảm mạnh. Từ đó làm mất cân bằng cung cầu phân bón trong khu vực cũng như thế giới.
Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận rằng, dù phân bón là sản phẩm Việt Nam có thể tự sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước và có một phần xuất khẩu nhưng do nền kinh tế nước ta là một nền kinh tế có độ mở cao khi tham gia vào hầu hết những hiệp định thương mại song phương và đa phương trên thế giới cũng như khu vực, nên việc giá phân bón trên thị trường thế giới tăng cao thì giá phân bón trong nước cũng phải tăng theo.
"Tại Việt Nam, trong quý 1/2021, giá bán các mặt hàng phân bón trong nước vẫn được duy trì ở mức thấp hơn so với giá thế giới, chính vì vậy, đã có lượng urê xuất khẩu khá lớn. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4/2021 đến nay, do lượng hàng tồn kho giá thấp đã hết nên mặt bằng giá phân bón tại Việt Nam cũng bị điều chỉnh tăng theo mức giá chung trên thị trường thế giới" - Cục Bảo vệ Thực vật thông tin.
Giải pháp để "ghìm" đà tăng của giá phân bón
Theo Cục Bảo vệ Thực vật, hiện nay cả nước có hơn 300 doanh nghiệp sản xuất phân bón, nhưng thực tế chưa có đơn vị nào tự xây dựng được mạng lưới phân phối riêng đến khâu bán lẻ mà phải thông qua các công ty thương mại, các chi nhánh, các cửa hàng bán lẻ tư nhân. Hệ thống phân phối phân bón được tổ chức qua rất nhiều nấc trung gian mới đến tay người nông dân, mối quan hệ giữa các chủ thể trong hệ thống không có tính chất ràng buộc lâu dài, hầu hết theo hình thức mua đứt bán đoạn.
"Hệ thống phân phối của các doanh nghiệp lớn mới chỉ dừng lại ở khâu trung gian – qua nhiều khâu trung gian rồi mới đến tay người nông dân, do đó, vấn đề kiểm soát và chịu trách nhiệm về giá bán và chất lượng phân bón còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang là vấn đề nan giải" - Cục Bảo vệ Thực vật nhận định.
Theo đó, để bình ổn giá phân bón, Cục Bảo vệ Thực vật kiến nghị các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón thống nhất các biện pháp như tăng sản lượng sản xuất, hạn chế xuất khẩu, ưu tiên nguồn hàng phục vụ sản xuất trong nước. Cục đề nghị, các lực lượng chức năng sẵn sàng vào cuộc, để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ, thổi giá nhằm trục lợi.
"Các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần ưu tiên phục vụ cho thị trường trong nước. Đây được xem là giải pháp tốt nhất hiện tại để bình ổn thị trường phân bón trong nước" - Cục Bảo vệ Thực vật nhận định.
Về vấn đề này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho rằng, giải pháp cho vấn đề giá phân bón có thể thực hiện bằng việc dừng xuất khẩu phân bón và yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất tăng tối đa công suất sản xuất phân bón DAP, MAP cung ứng trong nước với giá bán hợp lý nhất. Đồng thời, sử dụng phân bón với lượng vừa đủ, cân đối, tránh lãng phí nhưng đảm bảo hiệu quả.
"Muốn vậy, người nông dân cần tuân theo nguyên tắc “5 đúng” (đúng chủng loại phân, đúng nhu cầu sinh lý của cây, đúng nhu cầu sinh thái, đúng vụ và thời tiết, đúng phương pháp). Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, IPM…), sử dụng phân bón hữu cơ để thay thế một phần phân vô cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế thuốc hóa học" - ông Trung cho hay.
Còn theo ông Phùng Hà, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, để tránh tình trạng sốt giá, găm hàng... điều quan trọng là người dân cần tránh tích trữ, tạo sốt giá ảo. Đồng thời, các doanh nghiệp phải công khai, minh bạch thông tin nguồn hàng, lượng tồn hàng... để người dân biết, yên tâm sản xuất. Khi doanh nghiệp trong nước sản xuất, tự chủ, chất lượng đảm bảo, giá thành cạnh tranh sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung, kìm hãm mức tăng giá chung của phân bón.
Ngoài ra, Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh cho rằng, cần sớm sửa đổi những bất cập trong Luật Thuế 71, để giá bán phân bón trong nước hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người nông dân. Khi phân bón thuộc diện hàng hoá chịu thuế giá trị gia tăng, các dự án đầu tư sản xuất phân bón cũng như các dự án cải tạo kỹ thuật sản xuất sẽ được khấu trừ chi phí trang thiết bị, công nghệ, do đó sẽ giảm chi phí giá thành và gián tiếp góp phần giảm giá bán phân bón trên thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương và các đơn vị liên quan để đánh giá, rà soát biện pháp tự vệ một cách khách quan, tổng thể và phù hợp. Cùng với các chương trình bình ổn thị trường, các chương trình xúc tiến thương mại, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thực hiện các chương trình bán hàng trực tiếp đến tận tay người nông dân với giá hợp lý.