Nguồn cung đủ, vì sao giá phân bón vẫn tiếp tục đà tăng đến cuối năm?
(DNTO) - Theo đại diện Bộ Công thương, giá phân bón tăng chủ yếu do các yếu tố bên ngoài như nguyên liệu sản xuất và chi phí vận tải tăng. Do vậy từ nay đến cuối năm, dự báo giá phân bón vẫn tiếp tục tăng.
Liên quan đến vấn đề giá phân bón, trong họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều 17/6, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, cho biết hiện tượng giá tăng chỉ mới bắt đầu tăng từ đầu năm 2021, do các yếu tố bên ngoài như nguyên liệu sản xuất phân bón và chi phí vận tải tăng.
Cụ thể, với phân bón DAP và MAP, nguyên liệu sản xuất lớn nhất là lưu huỳnh và amoniac. Nhưng thời gian qua, giá lưu huỳnh tăng lên 2 lần (từ 95 USD/tấn, lên 208 USD/tấn); giá amoniac tăng 31,4% (tương đương tăng 102 USD/tấn), giá vận chuyển tăng từ 3-5%... Tất cả các yếu tố này khiến giá các loại phân bón nói chung đều tăng.
Đối với nguồn cung – cầu phân bón DAP và MAP, theo đánh giá của Bộ Công thương, hiện vẫn đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn cung hoàn toàn đáp ứng đủ, như nhập khẩu phân bón DAP, MAP tăng 50%, sản xuất trong nước 30%, nguồn cầu không có nhiều biến động so với năm trước.
Từ năm 2017, Việt Nam đã áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng DAP và MAP. Đặc biệt, khi có sản xuất trong nước đối trọng với nhập khẩu, mức tăng giá mặt hàng DAP và MAP sản xuất trong nước thấp hơn nhiều so với mức tăng giá của nhập khẩu. Cụ thể, giá phân bón DAP, MAP trong nước khoảng 9,5-10,8 triệu/tấn, trong khi giá nhập khẩu 14-15 triệu/tấn. Đây cũng là giải pháp kìm hãm mức tăng giá chung của mặt hàng DAP, MAP nói riêng và phân bón nói chung.
Trả lời câu hỏi về giá phân bón tăng hay giảm trong thời gian tới, ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, cho hay, theo kinh nghiệm, chu kỳ giá của phân bón diễn ra khoảng 10 năm một lần. Do đó, việc giá phân bón tăng trong năm 2021 cũng giống như năm 2008.
Theo ông Ngọc, so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay, giá vận chuyển hàng container đã tăng gấp 5 lần. Trong khi đó, phân bón nhập khẩu vào Việt Nam gồm DAP, MAP và Urê hầu hết được vận chuyển bằng container.
Hiện Trung Quốc đang đánh thuế xuất khẩu Urê là 30%. Trong khi đó, Ấn Độ đang cũng có nhu cầu lớn về phân bón mà nguồn cung Urê ở Đông Nam Á rất thấp do các xưởng sản xuất tại Indonesia, Malaysia đang vận hành, bảo dưỡng. Tất cả những yếu tố đó đã đẩy giá phân bón thế giới lên cao. Vì vậy, giá phân bón của Việt Nam sẽ chịu tác động rất lớn.
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam sản xuất phân Urê theo hai nguồn là bằng than và bằng khí. Tuy nhiên, giá của than và khí hiện đang tăng cao. Vì vậy theo ông Hoàng, giá phân bón từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục leo thang.