Để giá phân bón không tự do 'leo thang'
(DNTO) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay giá các loại phân bón như ure, kali, NPK, DAP liên tục "leo thang" từ 20% đến 30% so với thời điểm cuối năm 2020, gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Theo đó cầu cơ quan chức năng vào cuộc để bình ổn giá phân bón.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ tháng 11/2020 đến nay giá liên tục nhận được phản ánh nhiều loại phân bón tăng giá cao. Cụ thể, giá phân DAP tăng 900 đồng/kg từ 8.600 đồng/kg lên 9.500 đồng/kg (tăng 10,5%), giá ure tăng 1.500 đồng/kg từ 7.100 đồng/kg lên 8.600 đồng/kg (tăng 21,1%), giá phân lân biến động nhẹ như lân nung chảy tăng 50 đồng/kg từ 2.600 đồng/kg lên 2.650 đồng/kg (tăng 1,9%)…
Lý giải về nguyên nhân giá phân bón thời gian qua liên tục "leo thang", Bộ NN& PTNT cho biết, do các yếu tố bên ngoài như sự tăng giá của một số nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón như: Khí NH3, lưu huỳnh, cùng với giá dầu, chi phí vận chuyển tăng dẫn đến giá thành sản xuất tăng khiến giá các loại phân ure, DAP, kali trên thế giới cũng như thị trường trong nước tăng theo.
Trước tình hình phân bón nhập khẩu tăng mạnh, nhất là sản phẩm DAP có tình trạng khan hiếm, giá tăng vọt, Bộ NN&PTNT đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc bình ổn thị trường, giảm áp lực chi phí cho các địa phương và doanh nghiệp.
Ðối với vấn đề bình ổn giá phân bón, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật Hoàng Trung cho biết, Cục BVTV đã trao đổi, làm việc với các doanh nghiệp sản xuất phân bón để tìm giải pháp duy trì nguồn cung, góp phần bình ổn giá phân bón tại thị trường trong nước.
"Mặc dù giá phân bón các doanh nghiệp xuất khẩu cao hơn giá bán trong nước nhưng hiện nay một số doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn đang thực hiện cắt giảm lượng phân bón xuất khẩu để ưu tiên cung cấp cho thị trường trong nước, phục vụ sản xuất vụ hè thu đang tới. Ðồng thời, để bình ổn giá phân bón đang gia tăng trong giai đoạn hiện nay, rất cần có sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thông qua việc xúc tiến thương mại, "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt" thực hiện các chương trình bán hàng trực tiếp đến tận tay người nông dân với giá hợp lý", ông Trung nhấn mạnh.
Ngoài ra, yêu cầu doanh nghiệp tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp đến khâu bán lẻ để có thể kiểm soát giá bán, chất lượng phân bón đến tay người nông dân, kết hợp với việc thực hiện đổi mới phương thức kinh doanh nông sản sẽ gắn kết nhà sản xuất phân bón với các hợp tác xã, hộ sản xuất thông qua các chính sách tín dụng giải ngân bằng hàng hóa để cung ứng trực tiếp, giảm các chi phí trung gian, hạ giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó khuyến khích các địa phương sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, nhất là phân bón hữu cơ khai thác từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước (phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt,...) nhằm thay thế một phần phân bón vô cơ thì hoàn toàn có thể cung ứng đủ phân bón, tạo sự "cân bằng" cho sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, các lực lượng chức năng cần tăng cường vào cuộc trong việc ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ, thổi giá để trục lợi. Đây cũng sẽ là căn cứ để kiểm soát giá phân bón trên thị trường.