Nỗ lực phục hồi, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 288,7 tỷ USD
(DNTO) - Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/6, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 27,3 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 13,70 tỷ USD và nhập khẩu đạt 13,57 tỷ USD. Cán cân thương mại xuất siêu 130 triệu USD.
Trong nửa đầu tháng 6/2023, có 4 mặt hàng ghi nhận xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên với tổng trị giá 7,15 tỷ USD, chiếm 52% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,42 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,74 tỷ USD, giảm 5,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác với 1,5 tỷ USD, giảm 21%; hàng dệt may với 1,47 tỷ USD, giảm 13%.
Đặc biệt, Việt Nam có 12/45 mặt hàng xuất khẩu có mức tăng về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hàng rau quả có mức tăng cao nhất với 207%, từ 117 triệu USD lên 361 triệu USD. Clinker và xi măng là mặt hàng có mức tăng cao thứ 2 với +72%, đạt 55 triệu USD. Tiếp đến là dây diện và dây cáp điện với +50%, đạt 199 triệu USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 29%, đạt 203 triệu USD; phương tiện vận tải phụ tùng với +14%, đạt 526 triệu USD…
Ngược lại, 33 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận giảm trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, dầu thô là mặt hàng có mức giảm lớn nhất với -85%, đạt 25 triệu USD; tiếp đến là phân bón với -79%, đạt 20 triệu USD; sắn và sản phẩm từ sắn với -59%, đạt 29 triệu USD…
Trong nhóm nông, thủy sản, đứng sau rau quả, mặt hàng cà phê với mức tăng 13,3%, đạt 179 triệu USD; hạt điều với +8,1%, đạt 158 triệu USD.
Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam có mức giảm lớn nhất. Tiếp đến, mặt hàng chè giảm 33%, xuống còn 7,6 triệu USD; hàng thủy sản giảm 28%, xuống mức 244 triệu USD; hạt tiêu giảm 23%, xuống mức 38,3 triệu USD; gạo giảm 1,6%; còn 167 triệu USD.
Cũng trong nửa kỳ đầu tháng 6/2023, Việt Nam nhập khẩu 53 mặt hàng từ thị trường thế giới, có 2 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Bao gồm, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 3,66 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 1,76 tỷ USD, giảm 15%.
Về tăng trưởng, 44/53 mặt hàng nhập khẩu ghi nhận tăng trưởng âm về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phế liệu sắt thép có mức giảm lớn nhất với -82%, đạt 26 triệu USD. Tiếp đến là nguyên phụ liệu thuốc lá với -80%, đạt 4,3 triệu USD; điện thoại và linh kiện với -70%, đạt 217 triệu USD…
Ngược lại, 9 mặt hàng ghi nhận kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lúa mì có mức tăng cao nhất với +120%; tiếp đến là đậu tương với +75%; phân bón với +23%...
Trong nhóm nông sản, thủy sản, Việt Nam nhập khẩu hạt điều đạt trị giá 174 triệu USD. Đứng sau là mặt hàng đậu tương với 121 triệu USD; lúa mì với 120 triệu USD; thủy sản với 103 triệu USD; rau quả với 86 triệu USD; ngô với 76 triệu USD; dầu mỡ động thực vật với 58 triệu USD; sữa và sản phẩm sữa với 47 triệu USD.