Nhiều ‘ông lớn’ của Hàn Quốc vẫn sẽ ưu ái đầu tư vào Việt Nam
(DNTO) - Dù bối cảnh khó khăn làm giảm mức đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam nhưng nhiều doanh nghiệp lớn vẫn có xu hướng chọn Việt Nam là đối tác lâu dài, theo Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM).
Trong hội thảo về thương mại và đầu tư giữa Hàn Quốc và Việt Nam thuộc chuỗi sự kiện VIETNAM ADR WEEK 2023, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cho biết, tính đến năm ngoái, thương mại hai nước đã tăng 175 lần trong 30 năm kể từ năm 1992 khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Hiện có khoảng 9.000 doanh nghiệp nước này đã đầu tư vào Việt Nam.
Trong quý đầu năm nay, tổng đầu tư Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam chỉ đạt 474 triệu USD, tương đương 70,4% so với cùng kì. Số lượng dự án cũng giảm 9,1%, xuống còn 344 dự án so với cùng kỳ. Mức sụt giảm đã đưa Hàn Quốc từ nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam xuống vị trí thứ tư - mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới đã làm giảm mức đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo KOCHAM, vẫn sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của nước này tiếp tục chọn Việt Nam làm điểm đến dừng chân cho các dòng vốn đầu tư.
Trong đó Samsung, doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc và cũng đang đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam đã tăng khoản đầu tư thêm 20 tỷ USD để xây dựng Trung tâm nghiên cứu R&D quy mô lớn nhất Đông Nam Á vào cuối năm ngoái.
“Gã khổng lồ” điện tử khác như LG cũng đang mở rộng đầu tư để đưa các nhà máy tại Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và gia dụng.
“Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, tài chính, năng lượng, đang cân nhắc tăng vốn và đầu tư mới vào Việt Nam nếu như môi trường đầu tư tại đây tiếp tục duy trì sự ổn định”, ông Hong Sun, Chủ tịch KOCHAM cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Hong Sun, để giúp các nhà đầu tư Hàn Quốc yên tâm làm ăn lâu dài tại đây thì Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách môi trường pháp lý, đặc biệt là các thủ tục hành chính và giấy phép con. Bởi đa phần doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đều nằm trong chuỗi sản xuất cung ứng hàng hóa toàn cầu.
“Một số doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc muốn tăng đầu tư vào Việt Nam để triển khai một số dự án, nhưng mất nhiều thời gian và khó khăn khi xin giấy phép. Ngoài ra, Việt Nam cần nới lỏng chính sách về giấy phép lao động, giấy tạm trú cũng như giấy phép phòng cháy chữa cháy”, ông Hong Sun đề xuất.
KOCHAM cho biết, thị trường Hàn Quốc nhập khẩu 731 tỷ USD mỗi năm nên dư địa thị trường còn rất lớn để doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Tuy nhiên, không chỉ là thuế quan mà tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Hàn Quốc sẽ ngày càng cao. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sẽ khó khăn hơn để đáp ứng chất lượng và tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn bền vững của phía Hàn Quốc.
Trong bối cảnh thương mại thế giới đang phải đối diện với nhiều biến động, các vụ tranh chấp thương mại cũng có xu hướng gia tăng. Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), các doanh nghiệp hợp tác làm ăn phải chú ý đến vấn đề pháp lý trong các hợp đồng thương mại, để phòng tránh rủi ro, thiệt hại.
“Các hợp đồng hợp tác kinh doanh, đầu tư đều có điều khoản về giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, vấn đề này được rất ít doanh nghiệp quan tâm cũng như chưa biết sử dụng trọng tài và hòa giải khi phát sinh tranh chấp. Cần đưa điều khoản này vào hợp đồng để hợp tác một cách bền vững”, ông Lộc nói.