Nhiều mặt hàng tăng giá, Bộ Công thương ra chỉ thị khẩn
(DNTO) - Trước việc giá nhiều mặt hàng “leo thang” trong bối cảnh dịch Covid- 19 trong nước và trên thế giới ngày càng phức tạp, Bộ Công thương ra chỉ thị về việc thực hiện các giảm pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường.
Cụ thể, theo Chỉ thị số 07/CT-BCT được phát ra tối 12/5, Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các hoạt động, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án xử lý các biến động bất thường của thị trường.
Giữa lúc giá cả các mặt hàng xăng dầu, lương thực thực phẩm… tăng vọt trong những ngày đầu tháng 5, Chỉ thị số 07 của Bộ Công thương nhấn mạnh Vụ Thị trường trong nước cần theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đánh giá cung cầu các mặt hàng nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng để chủ động có phương án hoặc đề xuất với Bộ các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Trong công tác điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý, Vụ Thị trường trong nước cần sử dụng linh hoạt các công cụ, các biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, hỗ trợ cho sản xuất và đời sống của người dân, doanh nghiệp.
Bộ Công thương cho biết sẽ phối hợp cùng Bộ Tài chính đề xuất việc điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu; tính toán, sử dụng quỹ bình ổn giá hợp lý, nhất là trong các thời điểm khi mặt bằng giá xăng dầu thế giới tăng cao để hạn chế mức giá tăng giá đột biến trong nước.
Chỉ thị cũng nêu rõ việc sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác.
Bộ Công thương yêu cầu cơ quan thuộc Bộ thực hiện các giải pháp tổ chức sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Đồng thời Bộ đề nghị các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương rà soát cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để chủ động đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ứng phó kịp thời với những biến động bất thường nhằm bình ổn thị trường khi cần thiết.