'Nhạy' với thị trường, cổ phiếu chứng khoán cần bao lâu để 'vào bờ'?
(DNTO) - Mặc dù được đánh giá có khả năng phục hồi tốt, tuy nhiên để lấy lại độ "hot' như trước đây, cổ phiếu nhóm chứng khoán sẽ cần thêm nhiều thời gian.
Nhóm chứng khoán được đánh giá là khá "nhạy cảm" với biến động thị trường. Tuần vừa qua, khi thị trường bước vào nhịp tăng điểm, nhóm cổ chứng phục hồi tương đối tốt. Mã TVS của Chứng khoán Thiên Việt tăng mạnh nhất với 29%; VCI của Chứng khoán Bản Việt cũng tăng hơn 23%; CTS của Chứng khoán Vietinbank tăng 21% chỉ trong một tuần.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 23/5, ngay khi thị trường có dấu hiệu điều chỉnh giảm VN-Index đánh mất hơn 21 điểm, nhóm này lập tức giảm trung bình 5,68%. Hai mã bị giảm sàn là SSI (-6,8%) và HCM (-6,9%). Toàn nhóm không có mã nào tăng giá.
So với giai đoạn trước đây, nhóm cổ chứng cũng không còn nhiều sôi động. Như SSI, tính trung bình 5 phiên gần đây đã mất hơn 2%, tính riêng tháng 5 đã mất 26% và từ cuối tháng hai đến nay đã mất hơn 40% giá trị trên mỗi cổ phiếu.
Mã HCM mặc dù có sự khôi phục trong tuần vừa qua, nhưng tính chung từ đầu tháng 5 đến nay đã mất 21% và mất 43% từ đầu cuối tháng 2 đến giờ. Mã VND đã tăng 2,5% trong tuần qua, tuy nhiên mất 26% trong tháng 5 và 22% trong 3 tháng liền qua.
Sự mất mát này đến với hầu hết các mã trong nhóm thời gian qua khi mà VN-Index thậm chí có thời điểm không thể giữ được mốc 1.200 điểm, bất chấp việc chứng khoán được đánh giá thuộc nhóm nhiều triển vọng với nhiều lợi thế phát triển.
Tính đến tháng 3 năm nay, tổng tài khoản của các cá nhân trong nước đạt gần 4,9 triệu, hay khoảng 5% dân số, đã hoàn thành mục tiêu cho năm 2025 về tỷ lệ tài khoản trên dân số sớm hơn 3 năm. Điều này cho thấy mức độ quan tâm của người dân đến chứng khoán ngày càng lớn, và đây chính là tiềm năng vô tận để ngành chứng khoán trong nước phát triển.
Ngoài ra, nhiều động lực tăng trưởng kinh tế tương đối tốt cũng đang hỗ trợ thị trường như các gói hỗ trợ của Chính phủ nhằm hồi phục kinh tế sau đại dịch, tập trung đầu tư công, tiêu dùng phục hồi mạnh...
Tuy nhiên hiện tại, nhóm cổ chứng đang đứng trước không ít thách thức.
Những lo lắng về rủi ro lạm phát, tăng lãi suất, các nhân tố vĩ mô như chiến tranh Nga-Ukraina, Fed tăng lãi suất, cùng đó là tâm lý thận trọng lo lắng của nhà đầu tư đang khiến thanh khoản thị trường yếu đi.
"Nhà đầu tư dần nhận ra hiện thực rõ ràng hơn: trong ngắn hạn lợi nhuận đến từ đầu tư cổ phiếu có thể đang mỏng dần, thậm chí thị trường đang đi vào chu kỳ down-trend", chứng khoán Mirae Asset nhận định.
Thanh khoản toàn thị trường kể từ đầu năm đạt trung bình 27.548 tỷ đồng, tăng 4,9% so với mức bình quân năm 2021. Tuy nhiên ở những phiên đầu tháng 5, thanh khoản trung bình chỉ đạt gần 18.750 tỷ đồng, mức thấp nhất trong các tháng kể từ đầu năm.
Dòng tiền có dấu hiệu suy yếu. Chứng khoán phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác khi lãi suất huy động có xu hướng đi lên.
Sự sôi động của thị trường đang dịu bớt và việc các công ty chứng khoán có thể được hưởng lợi từ thị trường sẽ trở nên khó khăn hơn nhất là khi sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận của các công ty chứng khoán chủ yếu tới từ các mảng hoạt động cốt lõi như: môi giới, tự doanh, cho vay margin...
Trao đổi với nhà đầu tư trong chiều 23/5, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vndirect cho biết, ngành chứng khoán trong tương lai vẫn sẽ là ngành triển vọng, thu hút dòng tiền, tuy nhiên cổ chứng cần thêm nhiều thời gian để hấp thụ hết thông tin xấu và tạo nền hồi phục, có thể phải từ 2-3 tháng. Hiện tại các công ty chứng khoán đang đẩy mạnh tăng vốn do đó nhóm này cũng cần thời gian để hấp thụ lượng cổ phiếu trôi nổi.
Hiện tại mức chỉ số P/E của các công ty chứng khoán đang tương đối tối, nên đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn giải ngân và kỳ vọng trong tương lai. Còn nhà đầu tư ngắn hạn cần thận trọng nhất là trong bối cảnh dòng tiền chưa quay trở lại.