Khi nỗi đau qua đi
(DNTO) - Thông tin kỷ luật với những cá nhân đứng đầu trong ngành chứng khoán mới công bố đã gây nên "vết thương" trên thị trường, và chắc chắn cần nhiều thời gian mới có thể lên "da non".
Sau khi nhiều lãnh đạo các công ty chứng khoán, các doanh nghiệp lớn bị khởi tố do các vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường thì ngày hôm qua thôi, 18/5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông tin: cách tất cả chức vụ trong Đảng của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trần Văn Dũng, khai trừ ra khỏi Đảng với Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Lê Hải Trà.
Hai nhân vật từng đóng vai trò không nhỏ trong việc điều hành, quản lý hoạt động thị trường chứng khoán trong nước đã không tránh khỏi sai phạm, một điều vô cùng đáng tiếc, "một cú đấm" thép thể hiện quyết tâm làm trong sạch thị trường của Chính phủ.
Như một quỹ chứng khoán từng nhận định, hiếm khi nào nhà đầu tư trong nước phải chịu nhiều nỗi lo cùng một lúc như hiện nay. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra do Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, do chiến tranh Nga-Ukraina, do nỗi lo lạm phát, do việc siết chặt trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản... và giờ đây, chắc chắc nguyên nhân trên cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh thị trường vừa trải qua một đợt bán tháo, VN-INdex đã quay về mốc của một năm trước.
Còn nhớ khoảng vài tháng trước đây, thị trường chứng khoán đã ghi nhận một sự phát triển vượt bậc khi hút gần 3 triệu tài khoản mở mới trong giai đoạn 2020 đến tháng 4/2021, lớn hơn số tài khoản chứng khoán tích lũy trong gần 20 năm thị trường đi vào hoạt động, cùng đó là sự bùng nổ về thanh khoản, là kỷ lục mới của chỉ số VN-Index.
Sáng sớm anh bạn đồng nghiệp của tôi có thể một tay còn đang cầm bánh mỳ gặm dở nhưng tay kia đã bật màn hình để nhìn vào bảng giá giao dịch. Trưa cũng phải vài chục phút nghiền ngẫm. Kết phiên ATC thì khó lòng bỏ lỡ. Chứng khoán đã trở thành cuộc sống của ai đó.
Thậm chí giám đốc một công ty chứng khoán còn kể lại, có nhà đầu tư còn nói với anh, tại sao các công ty chứng khoán không đề xuất giao dịch cả thứ Bảy và Chủ nhật luôn đi. Việc ngắt quãng có thể ảnh hưởng đến chỉ số, ảnh hưởng đến việc chốt lời, thị trường có thể "nguội" mất..., nhiều lý do được nhà đầu tư đưa ra. Hai năm qua, nhiều nhà đầu tư đã có thể mua nhà, mua xe, số dư tài khoản tăng cao nhờ chứng khoán.
Tuy nhiên thời hoàng kim đó không thể kéo dài. Chuyện nghẽn mạng, chuyện bán "chui" cổ phiếu, rồi chuyện dăm ba mã "trà đá" từ vài ngàn đồng bất ngờ tăng mạnh đến vài chục ngàn chỉ trong thời gian ngắn có lẽ sẽ là điều khó có thể lặp lại. Nhiều biện pháp mạnh tay đã được cơ quan pháp luật thực thi. Và thực tế, nếu các vụ việc được phát hiện và ngăn chặn sớm luôn hạn chế tối đa tổn thất cho nhà đầu tư. Thị trường vì vậy sẽ giảm bớt rủi ro khó lường.
Mục tiêu làm thế nào để có thể nâng hạng được chứng khoán Việt Nam trên thế giới, làm thế nào để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại, theo đó là sự hoạt động bài bản và chuyên nghiệp của thị trường đang đến gần hơn với chúng ta.
Phiên giao dịch hôm nay, ngày 19/5, thị trường vẫn chốt trong sắc xanh với mức tăng chưa đầy 1 điểm của VN-Index. Tuy nhiên thanh khoản toàn thị trường giảm sâu còn hơn 15 ngàn tỷ đồng. Dòng tiền èo uột và có dấu hiệu ra khỏi thị trường. Khả năng đi lên của những phiên tiếp theo có lẽ không nhiều.
Hơn 80% nhà đầu tư trên thị trường là F0, những người mới chỉ quen "chốt lời" trong năm qua mà chưa trải qua nhiều sóng gió. Thị trường sẽ ra sao khi niềm tin của nhà đầu tư lung lay và không gì có thể níu chân họ. Khi ấy liệu thị trường chứng khoán có thể hiện được vai trò của mình trong sự phát triển của nền kinh tế, nơi thu hút luồng vốn lớn dài hạn cho nền kinh tế?
Những biện pháp tích cực từ phía cơ quan quản lý là điều vô cùng cần thiết để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư. Đó là câu chuyện dài nhưng chắc chắn chúng ta sẽ từng bước làm được.