Chứng khoán tuần (23-27/5): 'Cơ hội mua mở ra trong ngắn hạn'
(DNTO) - Thị trường chứng khoán đã may mắn có một tuần hồi phục sau 6 tuần giảm điểm liên tiếp. Liệu đà tăng có tiếp diễn? Kịch bản nào được các chuyên gia đưa ra trong tuần mới?
Thị trường chứng khoán đã có một tuần cứu nguy sau khi phải trải qua chuỗi giảm liền mạch dài nhất kể từ hơn 10 năm qua, đánh mất tổng cộng 350 điểm, tương đương sụt 22,88%, bất chấp nền tảng cơ bản tốt từ vĩ mô cho tới lợi nhuận doanh nghiệp.
Thanh khoản tuần giao dịch vừa qua nhìn chung còn thấp mặc dù đã tăng hơn so với trung tuần tháng 5. Giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE tăng lên mức hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 6,7% so với tuần liền trước.
Điểm đặc biệt là chỉ số VN30 tăng 4,8% trong tuần, trong khi đó nhóm cổ phiếu Smallcap lại sụt giảm hơn 14,4%, một mức giảm kỷ lục theo tuần. Dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn mang định hướng dài hạn khi mức định giá đang trở nên hấp dẫn, hệ số P/E trên sàn HOSE đã về mức12,9 lần từ mức 17 lần kể từ đầu tháng 4.
Nhà đầu tư đã phần nào tạm an lòng khi mốc 1.200 điểm đã được lấy lại, tuy nhiên rủi ro chưa phải thể qua. Sang tuần mới, nhiều kịch bản được các công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường.
'Hai vùng kháng cự gần nhất lần lượt là 1.250 điểm và 1.300 điểm'
Theo Công ty chứng khoán Mirae Asset, trong tuần tới (23-28/5), VN-Index lấy lại vùng 1.200 điểm. Và hai vùng kháng cự gần nhất của thị trường lần lượt là 1.250 điểm và 1.300 điểm.
Cũng theo Mirae Asset, nhà đầu tư dần nhận ra hiện thực rõ ràng hơn là trong ngắn hạn, lợi nhuận đến từ đầu tư cổ phiếu có thể đang mỏng dần, thậm chí thị trường đang đi vào chu kỳ down-trend. Dòng tiền ngắn hạn cũng có thể có xu hướng dịch chuyển từ chứng khoán sang tiết kiệm. Đó là nguyên nhân vì sao mà thanh khoản đang yếu dần trong thời gian vừa qua.
Đánh giá về các mã trong tuần, các chuyên gia cho biết hiện tại không có cổ phiếu nào thỏa tiêu chí sức mạnh giá, chỉ còn duy nhất VHC đạt tiêu chí sức mạnh thanh khoản.
"Ưu tiên nhóm cổ phiếu đã giảm sâu"
Theo các chuyên gia của Chứng khoán MBS, mức định giá P/E của thị trường hiện ở mức 12.9 lần (so với mức đáy Covid là 10.9 lần) do đó cơ hội mua đang mở ra trong ngắn hạn.
"Mức biến động ngắn hạn vẫn khá khó lường do đó nhà đầu tư có thể cân nhắc duy trì trạng thái thận trọng, tỷ trong tiền mặt ở mức cao có thể xem xét giải ngân quanh các vùng hỗ trợ mạnh như 1.100 – 1.150 với tỷ lệ từ 10%-15% tài khoản", MBS cho biết.
Các nhóm cổ phiếu đã giảm sâu và có tính cơ bản cũng như các nhóm cổ phiếu nhạy cảm với sự phục hồi của thị trường sau đợt giảm sâu như: dầu khí, điện, bảo hiểm, vật liệu xây dựng, thủy sản, logistics, du lịch, chứng khoán… cần được ưu tiên.
MBS đề xuất danh mục theo dõi: Dầu khí (GAS, PVS, PVD, OIL, BSR,…), sản xuất và phân phối điện (REE, QTP, POW, CHP), bảo hiểm (VCH, MIG, PTI, BIC), logistic (GMD, VSC, HAH, SGT), dệt may (TNG, STK, EVE, GIL, VGT), thủy sản (VHC, ANV, FMC, MPC, CMX), bán lẻ (MWG, PNJ, PET), ngân hàng (MBB, VPB, TPB), chứng khoán (SSI, MBS, VND, BSI)…
"Định giá thị trường vẫn đang ở mức hấp dẫn"
Chứng khoán SHS đưa ra hai kịch bản cho thị trường. Kịch bản tích cực, VN-Index có thể sẽ tiếp tục đà hồi phục trong thời gian tới để thu hẹp dần khoảng cách với target của sóng hồi phục b, quanh ngưỡng tâm lý 1.300 điểm. Còn trong kịch bản tiêu cực, nếu lực cầu mua suy yếu và áp lực bán gia tăng trở lại thì VN-Index có thể sẽ lùi về ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm để tìm kiếm lực cầu bắt đáy.
"Việc chỉ số VN-Index ởtrên hay dưới ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến góc nhìn xu hướng thị trường dựa theo lý thuyết sóng elliott", SHS cho biết.
"Định giá thị trường vẫn đang ở mức hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn với P/E của VN-Index và VN30 chỉ quanh mức 13 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm gần nhất. Và nếu tính P/E Forward cho năm 2022 thì mức định giá lại càng trở nên hấp dẫn hơn", SHS nhận định.