Người dân thắt chặt chi tiêu: Cần giải pháp tổng lực để kích cầu
(DNTO) - Mặc dù các doanh nghiệp và ngành chức năng đang tính toán lại các giải pháp kích cầu để giữ đà tăng trưởng tiêu dùng nội địa, song quý 1/2024, tăng trưởng bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ đạt 8,2%. Sức mua yếu đang là nỗi lo lớn của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.
Nhóm ngành thực phẩm thiết yếu giảm trung bình 10% - 30%
Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1/2024 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nên nhớ, đây là thời điểm có tới hai kỳ nghỉ Tết kéo dài, thông thường nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng. Cùng kỳ năm ngoái, tổng mức bán lẻ tăng tới 14,7%, kể cả loại trừ yếu tố giá cả cũng vẫn còn tăng ở mức 2 con số (10,9%). Trong khi đó, 2 tháng đầu năm nay, nếu loại trừ yếu tố giá cả, thì mức tăng chỉ còn 5%.
Chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi báo cáo Chính phủ về những khó khăn tồn tại, hạn chế của nền kinh tế cũng đã chỉ ra rằng, dù cầu tiêu dùng cận Tết tăng khá, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch (2011-2019). Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu đối với một số mặt hàng như bánh kẹo, hoa quả và cây cảnh...
Thông tin từ một số hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM, sức mua thị trường từ nửa cuối tháng 3 đã "chững" lại so với trước. Trong khi nhóm sản phẩm rau củ quả, cá thịt, hàng thiết yếu vẫn có tăng trưởng dương thì các mặt hàng không thiết yếu như bánh kẹo, rượu bia… thấp hơn cùng kỳ năm 2023 đến 2 con số.
Theo thống kê, giá trị giỏ hàng mỗi lần mua sắm của người tiêu dùng đang dè dặt giảm đi thấy rõ, lượng mua hàng tạp hóa, quần áo, giày dép giảm mạnh từ 50% - 70%, thậm chí với nhóm ngành thực phẩm thiết yếu cũng giảm trung bình 10% - 30%. Các doanh nghiệp bán lẻ liên tục họp phân tích tình hình, tìm giải pháp kéo sức mua nhưng tín hiệu thị trường vẫn chưa khởi sắc.
Báo cáo tại phiên họp Quốc hội mới đây, ngày 25/4, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung, cho biết, từ đầu năm tới nay, hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Sức mua yếu, bên cạnh vấn đề có tính cơ cấu là do sự thay đổi thị hiếu, thói quen, nhu cầu tiêu dùng của người dân, thì cũng có thể thấy rõ tâm lý tiết kiệm, chi tiêu thận trọng của doanh nghiệp, người dân trước những khó khăn của nền kinh tế hiện nay.
"Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu là một trong những khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong năm 2024", Thứ trưởng nhận định.
Thứ trưởng đánh giá, nhu cầu của thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh cao là các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay. Trong quý 1/2024, có gần 74.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2023, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bình quân mỗi tháng có gần 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Cùng đó, tăng trưởng tín dụng đến ngày 4/4 chỉ tăng 0,95% so với năm 2023.
Triển vọng của thị trường trong quý 2/2024 vẫn chưa mấy tích cực. Sự phục hồi của tiêu dùng cần nhiều thời gian hơn và nhiều khả năng phải sang đến nửa cuối năm 2024 mới bắt nhịp trở lại. Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng, giá USD “nhảy múa” trong thời gian gần đây. Khi các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh gặp khó, tâm lý đầu cơ sẽ xuất hiện, gây biến động thị trường.
"Cùng với đó, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Ngành hàng không đối mặt với nhiều khó khăn, số máy bay thương mại giảm, làm tăng giá vé máy bay nội địa, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của người dân", Thứ trưởng nhận định.
"Kích" cách nào?
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho hay: Các doanh nghiệp phân phối đã lên kế hoạch kinh doanh cả năm, tiến hành mua hàng tận gốc và với số lượng lớn để nhà cung cấp chủ động kế hoạch sản xuất, cung ứng. Các siêu thị cũng gia tăng số lượng nhà cung cấp chiến lược để cùng nhau thực hiện các chính sách về giá, các chương trình khuyến mãi đủ hấp dẫn để thu hút khách hàng.
"Các ban, ngành đều vào cuộc để kích cầu, giảm giá cho người dân tích cực mua sắm. Hiện nay, doanh nghiệp tham gia các chương trình kích cầu có lợi nhuận rất ít, thậm chí có doanh nghiệp chấp nhận hòa vốn để giữ hoạt động sản xuất được đều đặn", bà Chi thông tin.
Song, các chuyên gia cho rằng, nút thắt sức mua yếu không phải chỉ dùng biện pháp kích cầu tiêu dùng là đủ, bởi khó khăn như hiện nay, muốn “kích” cũng không đơn giản. Phải cần một giải pháp tổng thể để gỡ khó cho nền kinh tế. Trong đó, tăng cường chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần có sự chung tay của tất cả các bên để đưa ra thêm nhiều gói kích cầu mới.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo cần “thúc đẩy mạnh mẽ” và “làm mới” các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; đồng thời, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn… Cần tiếp tục các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; khai mở và thúc đẩy việc xuất khẩu các mặt hàng mới, thị trường mới…
"Cần phải quyết liệt thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ, nâng hạng thị trường chứng khoán…", Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực đề nghị.