Ngành dệt may vượt qua sóng gió, có thể khởi sắc trong năm 2022
(DNTO) - Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam và thế giới sẽ giảm, khả năng kiểm soát dịch tốt hơn, khi đó thị trường dệt may sẽ có nhiều khởi sắc.
Đà tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong quý 3/2021
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam giảm 2,07% so với cùng kỳ trong quý 3/2021 và 0,91% so với quý trước do hoạt động sản xuất bị ngưng trệ trong thời gian giãn cách xã hội, đặc biệt là ở khu vực miền Nam. Dựa trên ước tính của VNDIRECT, tổng doanh thu quý 3/2021 của các công ty dệt may niêm yết giảm 4,8% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận ròng quý 3/2021 tăng 1,8% so với cùng kỳ nhưng giảm 48,1% so với quý trước.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng lợi nhuận ròng của các công ty dệt may niêm yết tăng 63,2% so với cùng kỳ và thậm chí cao hơn 12,1% so với 9 tháng đầu năm 2019. Tăng trưởng lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm 2021 đáng chú ý phải kể đến MSH (tăng 103,1% so với cùng kỳ), VGT (tăng 81,6% so với cùng kỳ) và STK (tăng 70,6% so với cùng kỳ).
Phục hồi theo nhu cầu tăng mạnh tại thị trường Mỹ và EU
Người tiêu dùng Mỹ và E.U đã ghi nhận nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ sau khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa. Kim ngạch nhập khẩu dệt may của Hoa Kỳ trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng 29,9% so với cùng kỳ lên 82,2 tỷ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc tăng 24,5% so với cùng kỳ (Nguồn: OTEXA). Trong khi đó, CPI đối với quần áo và phụ kiện quần áo của E.U cũng tăng lần lượt 3,6% và 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8/2021 và tháng 9/2021.
Theo dự báo xu hướng tuyển dụng trong quý 4/2021 và đầu năm 2022 của Tập đoàn Navigos Group, các doanh nghiệp dệt may lớn và có uy tín đang có rất nhiều đơn hàng. Nhiều công ty đã nhận đơn hàng tới tháng 4 đến tháng 6/2022 và vẫn đang cần tuyển thêm nhiều lao động để đáp ứng đơn hàng.
Đại diện Công ty Việt Thắng Jean cho biết, công ty cũng hoạt động trở lại từ đầu tháng 10 và đang nỗ lực để xuất xưởng 1,2 triệu sản phẩm sang 8 nước châu Âu. Hiện quần áo của Việt Thắng Jean đã lên kệ ở khắp châu Âu để bán vào dịp Noel và năm mới thông qua vận chuyển bằng máy bay. Công ty đã nhận đơn hàng đến hết tháng 6/2022.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã trở lại sản xuất với 80-90% số lao động như: Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai có 2.739 lao động và tất cả đã quay lại làm việc; Công ty TNHH Fashion Garments 2 cũng có 4.201/5.670 lao động trở lại nhà máy; Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam 3.704/5.529 lao động trở lại làm việc…
Các chuyên gia kỳ vọng rằng, triển vọng của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2022 sẽ đi theo sau sự phục hồi của dệt may Mỹ và E.U.
Hướng đến xuất khẩu 40 tỷ USD
Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của toàn ngành; đặc biệt "làn sóng" thứ tư của dịch Covid-19 trong quý 3/2021 đã gây đứt gãy nguồn cung nguyên liệu và nhân lực lao động, nhưng dự kiến xuất khẩu dệt may năm 2021 có thể đạt 39 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.
Đây là kết quả rất ngoạn mục, là sự "lội ngược dòng" để đạt được thành công bất ngờ trong điều kiện kinh tế - xã hội ở giai đoạn hết sức khó khăn do đại dịch. Với kết quả này, là tiền đề để ngành dệt may tự tin xây dựng kế hoạch phát triển trong năm 2022.
Trong năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và ở Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường, tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp của Vitas tin tưởng Nghị quyết 128 của Chính phủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ổn định trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo chiến lược chung đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới tại các địa phương. Vì vậy, Vitas xây dựng mục tiêu xuất khẩu năm 2022 theo 3 kịch bản, với giá trị kim ngạch xuất khẩu mức thấp nhất là 38-39 tỷ USD và mức cao nhất là 42,5-43,5 tỷ USD.
Theo đó, ở kịch bản 1, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý 1/2022, các doanh nghiệp tích cực nhất, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5 – 43,5 tỷ USD.
Ở kịch bản 2, kim ngạch xuất khẩu dệt may trung bình đạt 40 – 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm.
Kịch bản 3, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt mức thấp nhất 38 – 39 tỷ USD.