Châu Phi – ‘mảnh đất tiềm năng’ doanh nghiệp có thể khai thác sau đại dịch
(DNTO) - Với 55 quốc gia và dân số hơn 1,3 tỷ người, châu Phi là một thị trường có nhu cầu hàng hóa rất lớn, nhiều tiềm năng để doanh nghiệp khai thác và cũng là nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Thị trường tiềm năng nhưng còn bỏ ngỏ
Chia sẻ trong hội thảo về tiếp cận thị trường châu Phi nói tiếng Pháp, chiều 1/9, ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công thương, cho biết Việt Nam và các nước châu Phi có quan hệ thân thiết từ nhiều năm qua; tuy nhiên, ở góc độ kinh tế, thương mại, châu Phi lại là đối tác mới, nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả.
Với 55 quốc gia và dân số hơn 1,3 tỷ người, châu Phi là một thị trường có quy mô lớn xét về nhu cầu của các loại hàng hóa. Châu Phi không đặt ra những tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu so với các thị trường phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Do vậy, châu Phi là một thị trường phù hợp với nhiều chủng loại hàng hóa của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, châu Phi cũng là nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu của Việt Nam.
“Trong 18 tháng qua, hoạt động thương mại với các thị trường lớn, trong đó có các thị trường truyền thống có những thời điểm đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí gián đoạn bởi dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, việc chuyển hướng sang thị trường châu Phi có thể là một hướng đi mới, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, giảm rủi ro và tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định”, ông Nam nhận định.
Ông Cao Minh Tú, Cán bộ phụ trách các thị trường nói tiếng Pháp tại châu Phi cho biết, trong 26/55 quốc gia nói tiếng Pháp tại châu Phi, có các thị trường tiềm năng như Algeria, Monocco, Senegal, Ivory Coast, Bờ Biển Ngà, Cameroon, Cộng hòa Congo, Gabon, Madagascar. Tình hình chính trị, an ninh tại các quốc gia này cũng tương đối ổn định, các cuộc tranh chấp nếu có diễn ra cũng nhỏ lẻ và xuất hiện tại khu vực biên giới, không ảnh hưởng nhiều đến các trung tâm kinh tế và thành phố lớn.
Các mặt hàng Việt Nam tiềm năng xuất khẩu sang thị trường này như nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu), thủy hải sản (cá da trơn, tôm), các mặt hàng dệt may, giày dép. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập khẩu hạt điều, bông, gỗ, quặng và khoáng sản từ châu Phi để phục vụ sản xuất trong nước. Đối với mặt hàng gỗ, nên đặc biệt lưu ý về tính pháp lý, nguồn gốc các loại gỗ.
Ông Nguyễn Việt Phương, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Maroc (kiêm nhiệm Guinea, Benin, Bờ Biển Ngà, Burkina Faso) cho biết, tại Maroc, Chính Phủ nước này thu hút đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng ven biển để đưa Maroc trở thành điểm trung chuyển cho Tây Bắc Phi. Maroc cũng là nơi đón làn sóng dịch chuyển sản xuất từ châu Âu nên có nhiều công xưởng sản xuất của các doanh nghiệp lớn.
Vì vậy, Việt Nam và Maroc có thể hợp tác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, du lịch và lữ hành, đầu tư sản xuất hàng tiêu dùng, phân bón, xây dựng và các sản phẩm vật liệu xây dựng; kinh doanh, khai thác dịch vụ logistics tại các khu cảng ngoại quan…
Doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý điều gì?
Theo ông Nguyễn Phúc Nam, do sự xa cách về địa lý, sự thiếu thông tin, khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, tập quán kinh doanh, các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường châu Phi, đặc biệt là các thị trường sử dụng ngôn ngữ tiếng Pháp.
Về tập quán kinh doanh, ông Cao Minh Tú cho biết, các doanh nghiệp châu Phi đều mong muốn gặp gỡ trực tiếp, nhìn tận mắt sản phẩm để làm cơ sở trao đổi thương mại với đối tác. Đối với thanh toán, các doanh nghiệp châu Phi thường sử dụng hình thức trả chậm, đặt cọc hoặc điện chuyển tiền mà ít dùng LC. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt nên cố gắng đàm phán để sử dụng LC, dù chi phí cao nhưng đây là phương toán thanh toán an toàn.
Bởi theo ông Nam, thời gian qua không ít đối tác châu Phi thực hiện nhiều hình thức lừa đảo như qua đấu thầu, mạo danh các tổ chức; nhập khẩu từ Việt Nam thường chấp nhận giá chào, không thương lượng; còn khi xuất khẩu sang Việt Nam chào giá thấp, tuy nhiên sau khi nhận đặt cọc thì thường biến mất. Đối với mặt hàng giá trị lớn như gỗ, khoáng sản, nhiều đối tượng kí kết các hợp đồng lớn và sau đó bỏ hợp đồng khi nhận được cọc.
Còn ông Nguyễn Việt Phương lưu ý, khi thâm nhập thị trường châu Phi, doanh nghiệp Việt Nam phải kiên trì và đặc biệt không ngại va chạm. Các doanh nghiệp Việt Nam cần liên hệ chặt chẽ với các Thương vụ, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin như sản phẩm, khả năng cung ứng… để Thương vụ hỗ trợ kết nối với đối tác hiệu quả.
Để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu sang châu Phi, dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Phúc Nam cho biết, Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý hợp tác thương mại với châu Phi như thành lập tiểu ban hợp tác thương mại giữa Bộ Công thương và các Bộ đối tác của các nước châu Phi tiềm năng, tạo ra kênh trao đổi thông tin hợp tác, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của hai bên.
Ngoài ra, sẽ tiếp tục đàm phán, kí kết các MOU về hợp tác kinh tế, thương mại với các thị trường, trong đó có thị trường tiềm năng như Bờ Biển Ngà, Nam Phi… Tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán, mở cửa thị trường để cung cấp sản phẩm nông sản, trái cây mà Việt Nam có lợi thế.
Hiện hai ộ đang thúc đẩy Nam Phi mở cửa thị trường cho thịt gà chế biến, mật ong, các sản phẩm từ sữa, chôm chôm, thanh long, vú sữa…; với Ai Cập, thúc đẩy mở cửa cho thanh long, vải, nghệ…
Ngoài ra, Vụ thị trường châu Á – châu Phi cũng tích cực phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp hai bên và đẩy mạnh công tác thông tin đến với doanh nghiệp trong nước, có công tác rà soát, dự báo và khuyến cáo để giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro khi hợp tác với đối tác châu Phi.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Phi đạt 2,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD, tăng 23,4%.