Algeria kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam hợp tác sản xuất hàng hóa xuất sang châu Phi
(DNTO) - Phía Algeria kêu gọi và cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư tại Algeria theo hình thức trực tiếp hoặc hợp tác, để sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ nội địa và xuất khẩu sang các nước châu Phi.
Trao đổi trong Hội nghị giao thương trực tuyến: Khai thác tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư:"Việt Nam - Algeria - Senegal 2021", ngày 5-6/4, ông Roubai Nasreddine Mounir, Chủ tịch Tổ chức Phát triển kinh tế Quốc gia Algeria cho biết, trong khuôn khổ đa dạng hóa các chính sách của nền kinh tế và khuyến khích xuất khẩu hydro carbon, chương trình kinh tế của Tổng thống Algeria đang khuyến khích, tạo điều kiện hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, ông Roubai kêu gọi các nhà điều hành kinh tế Việt Nam quan tâm sâu sắc hơn đến thị trường Algeria.
“Tôi mong muốn doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhiều hơn vào Algeria đầu tư trong các lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam như công nghiệp nhẹ, nông nghiệp, kinh doanh nông sản, điện thoại thông minh, công nghệ thông tin, truyền thông…”, ông Roubai nhấn mạnh.
Chia sẻ về thế mạnh của Algeria, ông Roubai cho biết, bên cạnh nguồn cơ sở vật chất và các chính sách ưu đãi khác, Algeria có nguồn lao động dồi dào và lành nghề, nguồn nhân lực có trình độ học vấn.
Bên cạnh đó, Algeria đã tạo ra một hệ thống logistics có hiệu quả cao cùng cơ sở hạ tầng trên biển, trên bộ, hàng không hiện đại nhất.
Đặc biệt, các nhà đầu tư Việt Nam có thể tận dụng và hưởng lợi từ những ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do giữa Algeria với các nước Ả rập, châu Phi, Hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu, để tiếp thị các sản phẩm từ Algeria sang các nước này.
Để hỗ trợ các đối tác Việt Nam, ông Roubai cho biết đang đề xuất thành lập Hội đồng doanh nghiệp Algeria – Việt Nam. Hội đồng này sẽ đóng vai trò là không gian trao đổi, tham vấn, hiện thực hóa các trao đổi thương mại giữa doanh nghiệp kinh tế hai nước.
Chia sẻ sâu hơn về tiềm năng hợp tác giữa hai bên, ông Sid-Admed Boulil, Cố vấn kinh tế, Cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải Algeria cho biết, năm 2022 là năm thiết lập 60 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Algeria, chúng tôi tin tưởng rằng đã đến giai đoạn chín muồi để nâng tầm quan hệ giữa hai nước lên tầm chiến lược.
“Trong chương trình kinh tế của Chính phủ Algeria đang có kế hoạch giảm thiểu hóa đơn nhập khẩu và tăng cường các khoản thu nhập từ xuất khẩu hydro carbon. Chúng tôi biết hiện Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á, ngoài kinh nghiệm thu hút đầu tư từ nước ngoài, chắc chắn Việt Nam sẽ là đối tác có thể hỗ trợ tốt cho Algeria trong chương trình kinh tế này.
Phía Algeria cũng cam kết sẽ luôn đồng hành và tài trợ cho bất kì các nhà đầu tư Việt Nam nào muốn đầu tư tại Algeria theo hình thức trực tiếp hoặc hợp tác, để sản xuất các sản phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang châu Phi và các nước khác, có thể ưu tiên một số ngành nghề để giảm nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu. Chúng tôi mong muốn các trao đổi thương mại được tăng cường vì hiện tại xuất khẩu của Algeria sang Việt Nam đang ở mức rất thấp”, ông Sid-Admed Boulil nhấn mạnh.
Theo Cơ quan xúc tiến ngoại giao quốc gia Algeria, Việt Nam luôn quan tâm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản như cá ngựa, tôm hùm, tôm, giấy và các sản phẩm tái chế. Trong khi các công ty của Agleria có thể cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, gốm sứ, da động vật, các sản phẩm bằng da cũng như nhiều sản phẩm khác. Về phần mình, các công ty của Algeria cũng mong muốn tìm hiểu các quy định của Việt Nam về nhập khẩu và thị trường hàng hóa từ Việt Nam.
Từ phía Việt Nam, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cũng cho biết, trước những dấu hiệu thay đổi tích cực của thị trường trong và ngoài nước cũng như Việt Nam đang nỗ lực phối hợp với các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai cơ chế một cửa quốc gia nhằm tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nước ngoài nói riêng.
“Trong thời gian tới, nếu dịch Covid- 19 được kiểm soát trên toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam, Algeria và Senegal cần lưu ý tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để khai thác, tìm kiếm, đa dạng các cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư”, ông Phú nhấn mạnh.
Algeria là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam tại Châu Phi. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Algeria năm 2019 đạt 187 triệu USD.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Algeria chỉ đạt 148,21 triệu USD, giảm 20% so với năm 2019, gồm các mặt hàng xuất khẩu chính là cà phê 93,77 triệu USD, kim loại thường và sản phẩm 12,37 triệu USD, sản phẩm hóa chất 5,5 triệu USD, thủy sản 3,2 triệu USD, hạt tiêu 1,82 triệu USD, hàng hóa khác 31,2 triệu USD…
Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại số 1 của Algeria, chiếm 17% kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này, tiếp đến là Pháp (10%), Italia (7%), Đức (6,5%) và Tây Ban Nha (6,2%). Tính theo khối nước, EU vẫn là đối tác xuất khẩu lớn nhất vào Algeria nhờ vị trí địa lý gần, hiệp định liên kết song phương và chất lượng sản phẩm.