Dịch Covid-19 gây nên cơn sóng khủng hoảng trong đời sống của hàng triệu con người, nhưng cũng là thách thức để mỗi chủ doanh nghiệp thể hiện bản lĩnh của người cầm chèo.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, đặc biệt đợt dịch lần thứ 4 với biến thể Delta khó lường khiến cuộc sống người dân đảo lộn, cả nước gồng mình chống dịch, các doanh nghiệp cũng nằm trong vòng xoáy khủng hoảng với vô vàn khó khăn.

Các đợt giãn cách xã hội liên tiếp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong tổ chức sản xuất, lưu thông hàng hóa. Làm thế nào để vượt qua “cơn bão” Covid, phục hồi sản xuất khi tình hình đang dần được kiểm soát là bài toán không dễ giải với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm người đứng đầu thể hiện bản lĩnh của mình để đưa “con thuyền” doanh nghiệp “vượt thác ghềnh”, tiến lên phía trước. Họ làm điều ấy như thế nào?

Ông Trần Anh Vương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thép Bắc Việt, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam:

“Trong nguy có cơ”, trong đại dịch, rất nhiều doanh nhân trẻ với tính sáng tạo cao đã tự nhìn ra cơ hội, bên cạnh đó, sự thúc ép từ đại dịch buộc họ phải thay đổi mạnh mẽ về chuyển đổi số, liên kết ngành.

Sau đại dịch, doanh nghiệp vẫn cần sự hỗ trợ từ Nhà nước, nhưng cách hỗ trợ tốt nhất không phải là tiền, mà là cơ chế, làm sao để các thủ tục hành chính rút ngắn, ví dụ từ 10 ngày xuống còn 5 ngày, bởi thời gian là tiền, là năng suất. Cơ chế sẽ tạo ra sự thông thoáng, doanh nghiệp sẽ phát triển.

z2841033444940_709774a77683235f970aa61ac57f2d16

Những chính sách về tiền tệ, tài khóa cũng không thể thiếu, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19. Các nước trên thế giới đều thực hiện công cụ này để cứu nền kinh tế, nhưng riêng đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp trẻ, chúng tôi mong muốn Chính phủ có những chính sách nhanh, kịp thời. Bởi như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chia sẻ, nếu doanh nghiệp thua lỗ thì những chính sách tài khóa như miễn thuế cũng không còn giá trị.

Tư duy chuyển từ cơ chế xin - cho sang cơ chế không cấm thì doanh nghiệp sẽ được làm.

Bà Nguyễn Ngọc Mỹ - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Alphanam:

Những thử thách từ đại dịch Covid-19 một lần nữa chứng minh sự thiết yếu của nguồn lực con người trong việc giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, và bình đẳng giới là một trong những giá trị chủ chốt mà doanh nghiệp cần thúc đẩy để phát triển nguồn nhân lực gắn kết, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.

z2841082045216_5a2e034ee64aea075d6eb3edf153fb90

Đối với tôi, bình đẳng giới trong doanh nghiệp không phải là sự cân bằng trong tỷ lệ nam nữ hay ưu tiên nữ giới. Cốt lõi của sự bình đẳng là việc xóa bỏ những định kiến vô thức, những rào cản phân biệt, tôn trọng giá trị của mọi cá nhân và tạo điều kiện cho họ được phát triển một cách công bằng theo đúng tiềm năng.

Đó cũng là lý do Alphanam đã tham gia đánh giá chứng chỉ bình đẳng giới toàn cầu EDGE, và cá nhân tôi hiện là thành viên Hội đồng quản trị Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) nhằm lan tỏa rộng rãi hơn những giá trị của sự bình đẳng đến với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS):

Đại dịch Covid-19 khiến ngành dệt may nhận thức rõ hơn và quyết tâm giải quyết những vấn đề đang gặp phải. Cụ thể:

Thứ nhất: Nếu chỉ phụ thuộc nguồn cung nguyên phụ liệu cũng như nhu cầu tiêu thụ của một số thị trường nào đó, rủi ro sẽ rất lớn khi có biến động. Vì vậy thời gian tới, ngành dệt may phải tìm cách nâng tỷ lệ chủ động nguồn cung để tránh phụ thuộc và hưởng lợi từ các FTA.

Thứ hai: Người lao động là vốn quý nhất của doanh nghiệp, nhất là với các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày. Việc giữ chân người lao động, làm cho họ gắn bó với doanh nghiệp là giải pháp căn cơ mà mỗi đơn vị phải làm.

z2841033459432_2c543035e32928510fb7f3b7daaaa9b6

Thứ ba: Trong điều kiện lao động ngày càng khan hiếm, việc tiết kiệm lao động sống, đầu tư đổi mới công nghệ dựa vào cách mạng công nghiệp 4.0, vào chuyển đổi số là con đường tất yếu trước mắt và lâu dài.

Thứ tư: Vấn đề xây dựng lòng tin và đảm bảo hài hòa lợi ích, chia sẻ trong lúc khó khăn giữa các đối tác (người sử dụng lao động, người lao động, công đoàn, Nhà nước và nhãn hàng) chính là chìa khóa để doanh nghiệp chung tay vượt qua đại dịch.

Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, TP.HCM:

Đại dịch là thời điểm doanh nghiệp thể hiện sự tự thân vận động, tự nỗ lực để tồn tại, duy trì sản xuất, bên cạnh sự hỗ trợ phần nào của Nhà nước như giảm thuế, giảm thuế đất…

Bước vào thời kỳ sản xuất bình thường mới, thiếu lao động sẽ là vấn đề nghiêm trọng mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt. Chính vì vậy, việc giữ chân người lao động sẽ là điều nhiều doanh nghiệp phải chú trọng.

Về phía Vĩnh Thành Đạt, công ty sẽ cố gắng duy trì sản xuất an toàn, đảm bảo chế độ lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, công đoàn công ty đang lên kế hoạch đi chợ giùm theo hình thức mua chung, tức là người lao động đăng ký mua thực phẩm để công đoàn mua giúp. Cuối mỗi giờ làm, người lao động chỉ việc mang về và chế biến, tránh tối đa việc đi lại, tiếp xúc nhiều.

z2841086513592_ad7397dba191368b0b9cdc304752f69e

Vĩnh Thành Đạt mong muốn TP.HCM và các tỉnh cần có sự phối hợp, tạo điều kiện để người lao động từ các tỉnh quay trở lại TP.HCM làm việc.

Tuy nhiên, cũng từ việc thiếu nguồn lao động trong thời gian qua, sẽ trầm trọng hơn trong thời gian tới, để thích ứng trong và sau thời kỳ bình thường mới, doanh nghiệp nên chú trọng tự động hoá sản xuất. Công đoạn nào thay thế được bằng máy móc thì nên cố gắng, mạnh dạn đầu tư.

Trước dịch Covid-19, khi đầu tư dây chuyền, máy móc, doanh nghiệp có thể tính toán thiệt - hơn giữa việc đầu tư máy móc và thuê nhân công. Tuy nhiên, hiện việc thuê nhân công không nên là giải pháp đầu tiên. Có thể việc đầu tư máy móc, công nghệ tốn chi phí cao hơn so với thuê nhân công, nhưng sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế tối đa việc bị động trong sản xuất.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan):

Sản xuất trong điều kiện bình thường mới là thách thức nhưng cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp nhìn lại, thay đổi, hoàn thiện chính mình.

Một trong những bài học kinh nghiệm Vissan rút ra qua các đợt giãn cách chính là sự thích ứng, thay đổi kế hoạch phát triển. Xu hướng liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực, ngành nghề vốn quan trọng, lại càng quan trọng hơn trong điều kiện dịch bệnh.

Cụ thể, đối với Vissan, muốn không đứt gãy hoạt động sản xuất, quá trình cung ứng hàng hóa thì nhà cung cấp là một trong những yếu tố hàng đầu. Cần phải có nhiều nhà cung cấp, không nên để họ giữ thế độc quyền. Khi dịch bệnh bùng phát, việc liên kết chống dịch, liên kết sản xuất với nhà cung ứng, với đơn vị cùng ngành nghề để hỗ trợ cũng rất quan trọng.

box5-01

Bên cạnh yếu tố nhà cung cấp, việc dự báo, nắm bắt trước tình hình để chuẩn bị nguồn nguyên liệu sản xuất; tăng tiến độ sản xuất để dự trữ nguồn nguyên liệu; chuẩn bị kho bãi... là bài học xương máu, đáng quý mà Vissan rút ra.

Quy trình tự động hoá để không quá phụ thuộc hoàn toàn vào 100% lao động, hình thức làm việc online... cũng là điều nên tính toán.

Đặc biệt, từ sự thay đổi trong phương thức mua bán, giao dịch của người tiêu dùng trong những ngày giãn cách khiến doanh nghiệp như Vissan cần phải tính toán, thay đổi kế hoạch đầu ra, tập trung cho mảng thương mại điện tử, chuẩn hoá sản phẩm, bao bì sản phẩm...

Bài: Sông Hương, Yến Hạ

Thiết kế: Jos Phạm