Mỹ truy tố một công dân Việt với tội danh chiếm đoạt NFT, mức án lên đến 40 năm tù
(DNTO) - Ngày 30/6, Bộ Tư pháp Mỹ đã có cáo buộc hình sự đối với Lê Anh Tuấn, 26 tuổi, quốc tịch Việt Nam về tội danh âm mưu lừa đảo qua điện thoại và rửa tiền, vụ việc có liên quan đến một dự án NFT có tên là Baller Ape.
Cụ thể, theo cáo buộc trong bản cáo trạng, Tuấn có liên quan đến Baller Ape, dự án đầu tư NFT với mục đích bán NFT dưới dạng các nhân vật hoạt hình khác nhau. Bản cáo trạng nêu rõ, sau ngày đầu tiên bán NFT, Tuấn và đồng phạm đã thu về 2,6 triệu USD, ngay lập tức họ đã xóa hẳn trang web và ôm tiền bỏ chạy.
Dựa trên phân tích blockchain, sau khi lừa được một số tiền lớn từ các nhà đầu tư, Tuấn và đồng phạm đã di chuyển lượng tiền này sang nhiều blockchain khác nhau, sử dụng các dịch vụ hoán đổi tiền điện tử phi tập trung để che giấu dấu vết.
Tổng cộng Tuấn và đồng phạm đã thu được khoảng 2,6 triệu USD từ các nhà đầu tư. Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố nếu bị xét đủ các tội danh, Tuấn phải đối mặt với mức án lên đến 40 năm tù. Hiện cơ quan Điều tra An ninh Nội địa (HSI) đang điều tra vụ việc, các luật sư xét xử Kevin Lowell và Tian Huang đang khởi tố vụ án.
Kenneth Polite, người đứng đầu bộ phận tội phạm của bộ cho biết: “Bộ Tư pháp và các đối tác của chúng tôi tận tâm sử dụng mọi công cụ để bảo vệ người tiêu dùng và nhà đầu tư khỏi gian lận và thao túng. Những cáo trạng này phản ánh cam kết của chúng tôi trong việc truy tố các cá nhân liên quan đến gian lận tiền điện tử và thao túng thị trường.”
Luật sư Hoa Kỳ Juan Antonio Gonzalez cũng có lời khuyên đối với những ai đang đầu tư vào tiền điện tử, bất kì cơ hội nào kiếm lợi nhuận dường như quá tốt thì cũng phải đề phòng và tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.
Hơn 130 triệu đô la cho những kế hoạch Ponzi
Ngoài vụ việc của Tuấn, Bộ Tư pháp Mỹ cũng khởi tố 3 cá nhân đã huy động hơn 100 triệu đô la trong một kế hoạch Ponzi tiền điện tử toàn cầu. Bao gồm hai công dân người Brazil đã sáng lập ra nền tảng đầu tư tiền điện tử lừa đảo EmpiresX và công dân 28 tuổi người Florida đã hợp tác quảng cáo nền tảng lừa đảo này.
Ngoài ra còn có hai vụ khởi tố khác cũng liên quan về âm mưu gọi vốn để lập quỹ đầu tư crypto, cam kết lợi nhuận, mạo danh quan chức chính phủ Mỹ và nhân viên Apple để mở bán đồng tiền điện tử của họ nhằm thu lợi. Tổng lại, cả 4 vụ án mà Bộ Tư pháp Mỹ khởi tố gây thiệt hại lên đến hơn 130 triệu USD.
Sau cùng, Bộ Tư pháp đã yêu cầu các nạn nhân của Tuấn, hay những nạn nhân của các trường hợp bị lừa đảo được nhắc đến trong bản cáo trạng cần xác minh mình là nạn nhân, cũng như cập nhật thông tin về quyền của họ với tư cách là nạn nhân bằng cách điền vào mẫu cáo buộc có sẵn và gửi lại về bộ.
Bộ Tư pháp nêu rõ, bản cáo trạng chỉ là một lời buộc tội, và tất cả các bị cáo đều có quyền đòi lại công lý trước tòa án pháp luật.