Lãi suất liên ngân hàng tăng cao và những 'tín hiệu' rủi ro từ thanh khoản hệ thống
![](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/resize/50x50/files/user/2022/10/24/gampt-100057.jpg)
(DNTO) - Tính đến cuối phiên 5/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang ở trạng thái bơm ròng 139.451 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng – mức cao nhất kể từ tháng 2/2019. Dự báo ảnh hưởng đến thanh khoản và thị trường trái phiếu, trong khi khối ngoại mua ròng trở lại. Điều này sẽ tác động ra sao?
![Lãi suất liên ngân hàng bật tăng, NHNN bơm ròng hơn 35.000 tỷ đồng. Ảnh: TL.](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/05/nh6438-2019.jpg)
Lãi suất liên ngân hàng bật tăng, NHNN bơm ròng hơn 35.000 tỷ đồng. Ảnh: TL.
Ngân hàng Nhà nước bơm thanh khoản VND nhiều nhất 6 năm
NHNN vừa công bố diễn biến thị trường ngoại tệ và thị trường liên ngân hàng. Theo đó, đối với các giao dịch bằng VND, lãi suất có xu hướng tăng ở hầu hết kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất bình quân một số kỳ hạn chủ chốt như qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng khoảng từ 0,05 - 0,18%/năm, lần lượt lên mức 4,22%/năm; 4,44%/năm và 4,92%/năm.
Đối với các giao dịch USD, lãi suất bình quân có xu hướng giảm nhẹ ở hầu hết kỳ hạn, trừ kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm và 1 tuần giảm tương ứng 0,04%/năm và 0,08%/năm xuống mức 4,31%/năm và 4,33%/năm. Kỳ hạn 1 tháng lãi suất tăng nhẹ 0,01%/năm lên mức 4,53%/năm.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 2,04 triệu tỷ đồng, bình quân 407.712 tỷ đồng/ngày, tăng 9.143 tỉ đồng/ngày so với tuần trước.
Doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 383.292 tỉ đồng, bình quân 76.658 tỉ đồng/ngày, tăng 931 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó. Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (91% tổng doanh số giao dịch VND). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt là 70% và 22%.
Dưới tác động của sự biến động trên thị trường tài chính, liên tiếp trong các phiên giao dịch trước và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, NHNN đã bơm lượng lớn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thông qua công cụ thị trường mở.
Trong phiên 4/2, NHNN đã tăng lượng chào thầu trên kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) lên 20.000 tỷ đồng ở mỗi kỳ hạn 07 ngày và 14 ngày, lãi suất giữ nguyên ở mức 4,0%. Kết quả, có 30.274 tỷ đồng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn; trong khi có 9.255 tỷ đồng đáo hạn. Tính chung, NHNN đã bơm ròng 21.019 tỷ đồng qua kênh OMO.
Trên kênh tín phiếu, NHNN chào thầu kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Kết quả có 900 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu và có 4.550 tỷ đồng đáo hạn. Tính chung, NHNN đã bơm trả cho hệ thống ngân hàng 3.650 tỷ đồng. Tổng cộng trên cả hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN bơm ròng gần 24.669 tỷ đồng ra thị trường phiên hôm qua.
Tính đến cuối phiên 4/2, tổng lượng tín phiếu đang lưu hành trên thị trường là 24.050 tỷ đồng và lượng OMO lưu hành là hơn 163.501 tỷ đồng. Như vậy, NHNN đang ở trạng thái bơm ròng 139.451 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng – mức cao nhất kể từ tháng 2/2019.
Khác với việc bơm thanh khoản hỗ trợ hệ thống ngân hàng diễn biến thường thấy trong giai đoạn trước, trong thời gian này, NHNN vẫn đang phải duy trì kênh phát hành tín phiếu để giữ lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng không giảm quá sâu. Bên cạnh đó, NHNN cũng giữ lãi suất cho vay OMO ở mức không rẻ, ở mức 4%/năm nhằm thiết lập ngưỡng chặn cho lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng.
Việc sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, vừa giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.
Ngoài ra, ngay từ đầu năm 2025, NHNN đã triển khai một cách tiếp cận mới trong việc can thiệp vào thị trường ngoại hối. Cụ thể, thay vì chỉ bán USD giao ngay với tỷ giá 25.450 VND, NHNN đã cung cấp các hợp đồng kỳ hạn (có kèm quyền chọn hủy) tại cùng mức tỷ giá 25.450 VND.
Theo giới phân tích, việc cung ứng các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn cho thấy sự tự tin của NHNN trong việc giữ ổn định tỷ giá liên ngân hàng quanh mức 25.450 VND, đồng thời xóa bỏ kỳ vọng của thị trường về việc NHNN sẽ tăng giá bán can thiệp.
![nh675](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/05/nh675-2021.jpg)
Rủi ro tiềm ẩn cho nhà đầu tư
Trong làn "sóng" lãi suất liên ngân hàng tăng cao, thị trường trái phiếu chính phủ cũng không đứng ngoài sự biến động. Theo dữ liệu từ tháng 1, lượng phát hành trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, chỉ đạt 20,8 nghìn tỷ đồng, giảm 32,1% so với tháng trước. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành phần lớn kế hoạch phát hành trái phiếu cho năm 2024, với tỷ lệ hoàn thành lên đến 80,8%.
Bên cạnh đó, thu Ngân sách Nhà nước cũng vượt kế hoạch cả năm, đạt 106,3%, tạo điều kiện cho Kho bạc Nhà nước không cần phải đẩy mạnh phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, dù lượng phát hành giảm, lợi suất trái phiếu chính phủ vẫn có sự điều chỉnh tăng nhẹ, đặc biệt đối với trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 10 năm, lần lượt tăng 3 điểm cơ bản và 2 điểm cơ bản so với tháng trước.
Đặc biệt, trong tháng 12 khối ngoại đã quay trở lại mua ròng trên thị trường trái phiếu chính phủ với giá trị 147,3 tỷ đồng, sau khi bán ròng trong tháng 10. Đây là dấu hiệu tích cực, cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế đối với trái phiếu chính phủ Việt Nam, bất chấp áp lực từ lãi suất cao trong nước. Tính chung trong 11 tháng đầu năm 2024, khối ngoại đã mua ròng 811,6 tỷ đồng, trái ngược với mức bán ròng 4,6 nghìn tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, sự tham gia của khối ngoại trong bối cảnh này là tín hiệu tích cực đối với thị trường trái phiếu, khi họ tin tưởng vào sự ổn định và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Với việc Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm theo, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế tìm kiếm lợi suất hấp dẫn hơn tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Sự phục hồi của thị trường trái phiếu Việt Nam cũng phải đối mặt với một số yếu tố rủi ro tiềm ẩn. Thứ nhất, nếu lãi suất liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức cao, chi phí vốn sẽ gia tăng, ảnh hưởng đến khả năng chi trả lãi suất của các trái phiếu. Thứ hai, việc thanh khoản tiếp tục thắt chặt trong giai đoạn cuối năm do nhu cầu vốn tăng cao sẽ tạo ra sự bất ổn trên thị trường.
"Lãi suất liên ngân hàng VND và thị trường trái phiếu chính phủ đang đối mặt với nhiều yếu tố tác động từ nhu cầu thanh khoản, tín dụng, và các quyết định chính sách từ NHNN. Dù có một số tín hiệu tích cực từ việc khối ngoại mua ròng trở lại, nhưng thị trường vẫn phải đối mặt với những rủi ro từ việc thanh khoản thắt chặt và tăng trưởng tín dụng đẩy mạnh trong năm 2025. Do đó, các nhà đầu tư cần theo dõi sát diễn biến để đưa ra các quyết định đầu tư thông minh và hiệu quả trong bối cảnh hiện tại", chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.