Không phải cứ có ca F0 là đóng cửa toàn bộ nhà máy
(DNTO) - Hầu hết đại diện các doanh nghiệp đều mong muốn không đóng cửa toàn bộ nhà máy khi phát hiện 1 ca F0, mà chỉ cần nhanh chóng tách F0 và cách ly người tiếp xúc F0 trong nhà máy.
Ngày 20/9, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp”.
Là doanh nghiệp có hơn 6.300 lao động tại Khu Công nghệ cao của TP.HCM, đại diện Công ty Nidec Việt Nam nêu kiến nghị, sau khi hoạt động trở lại, bất kỳ trường hợp F0 nào được phát hiện tại dây chuyền sản xuất, chỉ cần cách ly hoặc đóng cửa phần sản xuất liên quan, không phải đóng toàn bộ doanh nghiệp. Sử dụng nhiều lao động ngoại tỉnh, doanh nghiệp mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho lao động di chuyển giữa các địa phương.
Cùng quan điểm, đại diện Công ty Nike Việt Nam, đơn vị có kim ngạch xuất khẩu hơn 7 tỷ USD, bày tỏ băn khoăn về việc phục hồi sản xuất nhưng phải bảo đảm “tuyệt đối an toàn”. Công ty cũng mong muốn không đóng cửa toàn bộ nhà máy khi phát hiện 1 ca F0 mà chỉ cần nhanh chóng tách F0 và cách ly người tiếp xúc F0 trong nhà máy.
Về các kiến nghị của doanh nghiệp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ: “Cụm từ 'tuyệt đối an toàn' mà doanh nghiệp băn khoăn ở đây nghĩa là tuyệt đối không để xảy ra ổ dịch lớn trong doanh nghiệp; tránh tình trạng sản xuất trở lại mà không có kiểm soát, tới một thời điểm nhất định, khi bệnh lây lan âm thầm trong lực lượng lao động rồi bùng phát thành ổ dịch lớn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe công nhân. Nếu tổ chức sản xuất trở lại thì phải tầm soát được dịch, như xét nghiệm hàng tuần. Việc xét nghiệm này thì các bộ, ngành, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, cần đưa ra hướng dẫn cụ thể”.
“Nếu một khu công nghiệp có tới 20.000 công nhân mà trở thành ổ dịch thì rất nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng không cứng nhắc khi có F0 thì đóng cửa nhà máy với hàng nghìn công nhân. F0 ở xưởng nào thì dừng xưởng đó và ngay trong xưởng đó, nếu xác định F0 chỉ liên quan đến một số F1 thì cách ly F1, thậm chí xưởng đó vẫn có thể hoạt động”, Phó thủ tướng nêu rõ.
Chính phủ sẽ đồng hành lâu dài, chặt chẽ để hỗ trợ doanh nghiệp
Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh vai trò của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hàng chục triệu lao động, có đóng góp lớn cho ngân sách, cho tăng trưởng, ổn định xã hội.
Xác định việc khôi phục kinh tế nói chung, hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, Phó thủ tướng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đồng hành lâu dài, chặt chẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất.
“Từ nay sẽ duy trì họp hàng tháng với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhất là các địa phương, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, kết hợp với việc chủ động tìm hiểu, nắm bắt và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Để Chính phủ, các cơ quan Trung ương đồng hành cùng doanh nghiệp cho đến khi phục hồi xong sản xuất kinh doanh”, Phó thủ tướng nói.
Cho rằng dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, phục hồi sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, ổn định đời sống nhân dân là yêu cầu cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh vừa phải bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạnh cho công nhân lao động "là vấn đề khó, bởi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường còn gặp khó khăn, sản xuất kinh doanh trong điều kiện phòng, chống dịch và an toàn cho công nhân còn khó khăn hơn nhiều lần".
Phó thủ tướng nhấn mạnh vai trò chủ thể của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh. Tùy theo tình hình của từng địa phương, từng địa bàn, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, bao gồm các giải pháp về kiểm soát F0; tránh tình trạng khi có F0 trong một phân xưởng mà phải dừng toàn bộ nhà máy với hàng chục phân xưởng.
Phó thủ tướng chỉ rõ, trung tâm, đầu mối để xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp là các tỉnh, thành phố, chính quyền cơ sở. Phó thủ tướng đề nghị lãnh đạo các địa phương trên cả nước cần căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn...
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đến nay có 291 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Tỉ lệ lấp đầy đạt khoảng 71%.
Cũng theo bà Ngọc, bộ này đã phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tiến hành điều tra, khảo sát 500 tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam để làm rõ các khó khăn, vướng mắc. Kết quả cho thấy, gần 50% doanh nghiệp bị tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, số còn lại bị ảnh hưởng lớn.
"Hiện có 7 nhóm vấn đề khó khăn mà các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao… đang phải đối mặt. Cụ thể, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất. Ngoài ra, các doanh nhiệp còn phải chịu các chi phí liên quan đến phòng, chống dịch như: Chi phí xét nghiệm, chi phí đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh, chi phí duy trì hoạt động sản xuất tại chỗ", bà Ngọc nói.