Không để giải ngân đầu tư công mãi ì ạch
(DNTO) - Những lý do như xin chủ trương phê duyệt, giải phóng mặt bằng… đã được Quốc hội tháo gỡ bằng việc sử đổi nhiều bộ luật liên quan. Việc còn lại của giải ngân đầu tư công nằm ở chính những người thực hiện.
Vẫn câu chuyện khó tiêu tiền
Đến hết ngày 30/11/2024 các dự án quan trọng quốc gia, dự án giao thông liên vùng, dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển đã giải ngân 82,336 tỷ đồng, đạt 50.96% kế hoạch năm, thấp hơn ước tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (60.43%), theo Bộ Tài chính.
Tại Tọa đàm “Để đầu tư công tiếp tục “sứ mệnh” là động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội” sang 10/12, chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành cho biết con số giải ngân đầu tư công trong 11 tháng đầu năm quá thấp vì thời gian còn lại để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công còn rất ít, trong khi áp lực về khối lượng công việc lớn. Vì vậy khó có thể đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch giải ngân đầu tư công trong năm nay.
Lý do việc chậm giải ngân đầu tư công có rất nhiều, thậm chí ông Thành cho biết có những lý do đã “nói rồi lại nói”. Ví dụ như việc phê duyệt, phân bổ dự án cho các bộ ngành. Những năm trước quá trình này tốn rất nhiều thời gian, thường phải mất 4-5 tháng đầu năm. Hay vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nguyên liệu đầu vào, triển khai thực thi, phối kết hợp giữa địa phương và trung ương…
Bên cạnh đó, việc giải ngân đầu tư công gắn với yếu tố mới như biến động giá cả nguyên vật liệu trực tiếp ảnh hưởng tới tiêu chí, tiêu chuẩn của các dự án, hoạt động triển khai ảnh hưởng từ công cuộc chống tham nhũng, lãng phí…
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW nêu thực tế, với một dự án trọng điểm quốc gia thuộc quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, muốn được thông qua phải qua tổng cộng 11 bước, từ bộ ban ngành Chính phủ (6 bước) và Quốc hội (5 bước). Mỗi bước qua một cơ quan lại có điểm nghẽn, dẫn đến kéo dài thời gian.
Khi đã có quyết định chủ trương đầu tư, đến giai đoạn triển khai dự án thì có rất nhiều vấn đề phát sinh khi tình hình thực tế thay đổi. Ví dụ như không nhận được sự đồng thuận về giá thành đền bù đất, phải tăng tiền đền bù, lúc này phải làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và sẽ phải làm lại tất cả các bước nêu trên.
“Hiện nay các quyết định chủ trương đầu tư hay điều chỉnh chủ trương đầu tư đều phải do các cơ quan dân cử (Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh thành) quyết định. Nhưng các cơ quan này họp theo kì, vì vậy muốn trình thủ tục trên phải đợi đến kì họp định kì, kéo dài thời gian thủ tục hành chính, chưa nói đến việc chậm tiến độ ở khâu thực thi thực tế”, ông Hà cho biết.
Cần những 'thuyền trưởng' quyết liệt
Từ đầu năm 2024 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các Nghị quyết, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành, đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi 7 luật gồm: Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đấu thầu; Luật ngân sách nhà nước; Luật quản lý sử dụng tài sản công,...
Đặc biệt, trong Luật Đầu tư công (sửa đổi) nâng tổng mức đầu tư với dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ lên 30.000 tỷ để giảm thời gian Quốc hội xem xét, thông qua. Giao Thủ tướng quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư thay vì trước đây là Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội. Đối với dự án nhóm B, C ở địa phương giao UBND quyền quyết định chủ trương đầu tư, thay vì HĐND như trước. Điều này thể hiện rõ sự phân cấp phân quyền để xóa điểm nghẽn về kéo dài thời gian thủ tục.
“Khi giao quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Thủ tướng sẽ giảm được 6 bước, tương đương 4 tháng. Hay giải phóng mặt bằng thường tốn rất nhiều thời gian, giờ đây sẽ được thực hiện song song với quá trình chuẩn bị dự án. Tức chuẩn bị dự án xong, được phê duyệt cũng sẽ giải phóng mặt bằng xong, tiết kiệm rất nhiều thời gian. Đây là cải cách hành chính rất tốt. Bối cảnh hiện nay ngoài quản lý nhà nước thì phải tạo ra không gian phát triển và thúc đẩy sự phát triển”, ông Hà phân tích.
Như vậy về cơ bản thể chế, chính sách dần hoàn thiện để tháo gỡ những điểm nghẽn cố hữu làm chậm việc giải ngân đầu tư công và thực hiện dự án. Vấn đề còn lại nằm ở khả năng thực thi của các bộ ngành, địa phương và các chủ đầu tư.
Chuyên gia cho biết chúng ta đã có bài học từ việc đẩy nhanh thực hiện đường dây 500kV mạch 3 nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng. Các địa phương cần có sự vào cuộc quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho những dự án địa phương, để ít nhất cũng phải đảm bảo đúng tiến độ chứ không thể chậm tiến độ như hiện nay.
“Nếu các bộ ngành, địa phương, các chủ đầu tư cùng vào cuộc, sát sao hơn thì con số giải ngân đầu tư công những năm sau không chỉ 95% mà còn phải vượt kế hoạch. Giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy 2-3 đồng vốn đầu tư tư nhân. Đây là nguồn lực rất quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số”, ông Hà nói.