Hết tháng 11/2024, giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài mới đạt 39,06% kế hoạch
(DNTO) - Bộ Tài chính cho biết, giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng của các bộ, ngành đạt 39,06% kế hoạch vốn điều chỉnh, tương đương 3.285,7 tỷ đồng. Có đến 4/10 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2024
Thông tin tại Hội nghị giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài, ngày 3/12, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho hay, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài (ODA) 11 tháng kế hoạch năm 2024 của các bộ, ngành đạt 39,06% kế hoạch vốn điều chỉnh, tương đương 3.285,7 tỷ đồng.
Tỷ lệ giải ngân đầu tư công vốn ODA 11 tháng đầu năm 2024 gấp hơn 2 lần tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2024 (16,62% kế hoạch vốn). Tuy nhiên, vẫn thấp hơn hẳn so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước 11 tháng đầu năm 2023 (đạt khoảng 53,16% kế hoạch).
Theo thống kê, có 2/10 bộ, ngành giải ngân trên 50% kế hoạch vốn: Bộ Tài nguyên và Môi trường (87,76%), Bộ Giao thông vận tải (58,35%). Có 4/10 bộ đã giải ngân nhưng tỷ lệ giải ngân thấp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (39,41%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (29,79%), Đại học Quốc gia Hà Nội (6,75%), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (6,82%).
“Có thể thấy, mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 95% là khá khó khăn. Trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính, việc thực hiện các cơ chế chính sách để phục vụ việc giải ngân vốn đầu tư công một cách nhanh nhất là cần thiết", ông Hoàng Hải nhấn mạnh, đồng thời chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân chậm bao gồm: Giải phóng mặt bằng chậm trễ; đấu thầu và thiết kế kỹ thuật kéo dài; điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần; phản hồi chậm từ nhà tài trợ.
Nêu giải pháp, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước cho biết, với Bộ Tài chính, việc cân đối bố trí dự toán ngân sách hằng năm là cực kỳ khó khăn để đảm bảo tỷ lệ theo quy định 28-30% chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên cắt giảm, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Trong khi đó, nguồn lực cho đầu tư phát triển càng tăng mà không giải ngân nổi gây ra nhiều bất cập.
Theo đó, ông Tân đề nghị các cơ quan còn chậm trong triển khai thực hiện giải ngân vốn ODA phải có báo cáo lãnh đạo các giải pháp giải ngân sao cho đạt kết quả cao nhất, đồng thời có giải pháp giải ngân kế hoạch vốn của năm 2025 ngay từ đầu năm sao cho hiệu quả, quyết liệt hơn.
"Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải cố gắng tăng cường kỷ luật cho việc bố trí vốn, để các bộ, ngành tập trung giải quyết bố trí nguồn vốn cũ, nếu không sẽ gây tồn đọng, dồn vốn khiến việc giải ngân càng khó khăn", đại diện Vụ Ngân sách nhà nước chỉ rõ.
Ông Hoàng Hải nhấn mạnh, để đẩy nhanh tiến độ, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành và chủ đầu tư để hoàn thành các thủ tục, giải phóng vốn và triển khai hiệu quả dự án. Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm của từng cán bộ để đảm bảo mục tiêu giải ngân cao. Đối với các kiến nghị giải pháp vượt quá thẩm quyền của các bộ, ngành, cần nhanh chóng tổng hợp, báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn như Nghị quyết số 01 của Chính phủ đã đặt ra.