'Giải ngân vốn đầu tư công chậm - căn bệnh mạn tính chưa có phác đồ điều trị'
(DNTO) - Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH Đắk Nông) cho biết, đầu tư công có vai trò quan trọng, mang tính dẫn dắt. Tuy nhiên những năm qua, việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn luôn gắn liền với các cụm từ “chậm”, “rất chậm”, “như một căn bệnh mạn tính chưa có phác đồ điều trị”.
Sáng 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho biết, đầu tư công có vai trò quan trọng, mang tính dẫn dắt. Tuy nhiên những năm qua, việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn luôn gắn liền với các cụm từ “chậm”, “rất chậm”, “như một căn bệnh mạn tính chưa có phác đồ điều trị”. Vì vậy, đại biểu tán thành cao việc xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công theo quy trình một kỳ họp.
Đối với các nội dung cụ thể, đại biểu đồng tình với quy định tách riêng dự án bồi thường tái định cư, vì giải phóng mặt bằng là điểm ách tắc chủ yếu của các dự án bấy lâu nay. Nhưng ông đề nghị làm rõ như thế nào là “thực sự cần thiết” để tránh tâm lý sợ sai, đồng thời phải quy định chặt chẽ trách nhiệm triển khai, tránh tình trạng dự án giải phóng xong không triển khai gây lãng phí.
Đề cập đến vấn đề tách riêng dự án giải phóng mặt bằng, theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH Hà Nội), cần cân nhắc việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư từ HĐND cho Chủ tịch UBND cùng cấp. Bởi HĐND các cấp tổ chức họp khá thường xuyên và có thể tổ chức họp bất thường, khi cần thiết. Do vậy, việc quyết định chủ trương đầu tư dự án không sợ mất thời gian chờ đợi nếu phải trình qua HĐND phê duyệt. Nếu trình qua HĐND phê duyệt thì dự án buộc phải chuẩn bị kỹ hơn, đánh giá, xem xét kỹ hơn. Điều này sẽ đảm bảo khi triển khai thuận lợi và mang lại hiệu tốt quả hơn.
Làm rõ hơn về nội dung được các Đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, dự án Luật Đầu tư công sửa đổi thể hiện rõ sự thay đổi về tư duy xây dựng pháp luật, từ chỉ tập trung quản lý sang vừa quản lý vừa kiến tạo phát triển, tạo không gian mới, khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đi cùng đó là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đẩy mạnh phân cấp phân quyền.
Bộ trưởng Dũng dẫn chứng kinh nghiệm của các nước làm rất nhanh vì họ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn rồi cứ thế thực hiện, không cần phải xin phép, ai vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật. Việc lập dự án, trình các bước rất mất thời gian mà sau này không kiểm soát được chặt chẽ.
Về nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia, theo Bộ trưởng Dũng, dự kiến Luật Đầu tư công sửa đổi có đời sống ít nhất 5-10 năm. Quy mô vốn 20.000 tỷ đồng có thể phù hợp hiện nay nhưng sau vài năm có khi không phù hợp. Vì vậy để ổn định, đảm bảo tuổi luật, mức 30.000 tỷ đồng là phù hợp. Đó cũng là đẩy mạnh phân cấp phân quyền trong quản lý đầu tư công.
Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã quyết nghị chủ trương đầu tư 10 dự án quan trọng quốc gia, trong đó có 9 dự án có quy mô trên 10.000 tỷ đồng. Trong số 9 dự án này, có 5 dự án có quy mô trên 30.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2026-2030, dự kiến có khoảng 40 dự án có quy mô trên 10.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 30 dự án có quy mô trên 30.000 tỷ đồng. Như vậy, khi nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia lên mức trên 30.000 tỷ đồng thì số lượng dự án cần trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vẫn còn rất nhiều, chưa kể các dự án khác phát sinh trong kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Về tách dự án giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy định hiện nay, dự án qua 3 bước là chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án và thực hiện dự án. Giải phóng mặt bằng nằm ở khâu chuẩn bị dự án, làm trước và song song với thủ tục đầu tư. Khi xong thủ tục đầu tư thì thực hiện được ngay, thay vì xong quyết định đầu tư mới quay sang giải phóng mặt bằng.
“Việc tách dự án giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng là “cuộc cách mạng”. Dù vậy, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng đồng ý với các đại biểu rằng phải quy định chặt chẽ trên tinh thần linh hoạt, mở ra nhưng phải quản lý được, kiểm soát được chứ không phải tràn lan, dẫn đến "hậu quả này", "hậu quả kia", thất thoát, lãng phí.