Không chỉ rót tiền vào vàng, nhà đầu tư thế giới cũng đang tích cực giao dịch bạc, bạch kim

(DNTO) - Những quý gần đây, thị trường giao dịch hàng hóa sôi động, giá trị giao dịch trung bình lên tới 6.983 tỷ đồng/ngày. Dự báo của chuyên gia cho biết các kim loại quý tiếp tục là tâm điểm nhà đầu tư trong những tháng cuối năm.

Thị trường giao dịch hàng hóa ở Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến sôi động trong nửa cuối năm 2024. Ảnh: T.L.
Giao dịch hàng hóa tạo đỉnh 11.000 tỷ đồng/ngày
Ngày 16/5, tại Hội thảo quốc tế “Triển vọng kinh tế thế giới và tác động tới thị trường hàng hóa 2024”, các chuyên gia tại Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group) – Sở Giao dịch hàng hóa lớn và lâu đời nhất thế giới, dự báo kinh tế toàn cầu năm nay sẽ đứng trước kịch bản “hạ cánh mềm”, giá hàng hóa nguyên liệu sẽ tiếp tục biến động mạnh. Thị trường giao dịch hàng hóa tiếp tục thu hút dòng tiền đầu tư do có tỉ suất lợi nhuận tốt hơn các kênh đầu tư truyền thống.
Thị trường hàng hóa Việt Nam đã có những diễn biến sôi động trong 4 tháng đầu năm. Khối lượng giao dịch hàng hóa tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tăng 65% so với cùng kì năm trước. Khối lượng giao dịch lũy kế tăng trưởng 21,5% so với cùng kỳ.
Giá trị giao dịch trung bình đạt 6.983 tỷ đồng mỗi ngày. Trong đó, ngày 19/4 ghi nhận giá trị giao dịch lớn nhất tại Việt Nam từ trước tới nay, đạt gần 11.000 tỷ đồng.
Ông Erik Norland, Giám đốc điều hành, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago, cho biết tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng chững lại, lãi suất tăng lên sẽ ảnh hưởng tới hầu hết thị trường hàng hóa theo chiều hướng đi xuống. Có điểm ngoại lệ là giá dầu sẽ chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị, giá đồng chịu ảnh hưởng bởi quá trình chuyển dịch năng lượng, giá vàng có diễn biến tích cực trong thời gian gần đây. Ngoài ra, thị trường ghi nhận nhu cầu lớn từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, các ngân hàng trung ương thế giới.
Vị này cho biết, bức tranh của nền kinh tế rõ nét hơn sau các số liệu kinh tế vĩ mô của 2 quý đầu năm. Điều này sẽ tạo ra các xu hướng lớn trên thị trường giao dịch hàng hóa, đặc biệt là nhóm năng lượng và kim loại quý. "Khối lượng giao dịch hàng hóa trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm”, ông Erik Norland nói.
Thị trường kim loại thu hút nhà đầu tư

Ngoài vàng, các kim loại khác như bạc, bạch kim, đồng... cũng được các nhà đầu tư giao dịch tích cực trên các sàn hàng hóa. Ảnh: T.L.
Hiện tại, MXV đang liên thông giao dịch với CME Group các mặt hàng nhóm kim loại như: bạc, bạch kim, đồng. Khối lượng giao dịch các mặt hàng này vẫn tăng trưởng đều đặn, luôn nằm trong top các mặt hàng được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam trong các quý gần đây. Đặc biệt trong tháng 4, bạch kim là mặt hàng được giao dịch nhiều thứ hai tại MXV, chiếm 3,8% tổng khối lượng giao dịch.
Ông Sachin Patel, Giám đốc điều hành Sản phẩm Kim loại, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương - CME Group, cho biết từ trước tới nay, các mặt hàng kim loại quý như vàng, bạc luôn đóng vai trò là tài sản trú ẩn an toàn khi kinh tế thế giới biến động mạnh. Ngày nay, việc giao dịch kim loại dễ dàng hơn. Với mức kí quỹ chỉ 1.650 USD/hợp đồng, nhà đầu tư đã có thể thực hiện giao dịch bạc micro và 4.125 USD/hợp đồng với giao dịch bạc mini, thay vì trước kia phải cần tới 8.250 USD để giao dịch 1 hợp đồng bạc tiêu chuẩn.
“Thị trường kim loại vẫn sẽ là tâm điểm trong hoạt động giao dịch và trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư trong thời gian tới”, ông Sachin Patel nhận định.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, thị trường hàng hóa kim loại được các nhà đầu tư đánh giá là dễ giao dịch, không cần nhiều sự nghiên cứu sâu về đặc tính sản phẩm, cơ cấu cung – cầu, thời tiết, mùa vụ như các nhóm thị trường hàng hóa khác (nông sản, nguyên liệu công nghiệp, năng lượng).
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư hiện nay dễ dàng tiếp cận với các thông tin kinh tế vĩ mô, thường được dự báo từ sớm và cập nhật rất nhanh trên truyền thông. Điều này hỗ trợ cho việc giao dịch các mặt hàng kim loại, mang đến sự an toàn và ổn định cao hơn các thị trường khác.
Về mối tương quan giữa mặt hàng và bạc, ông Erik Norland cho biết hiện vàng có ít ứng dụng trong công nghiệp, trong khi bạc được sử dụng rộng rãi hơn. Điểm khác biệt là vàng là tài sản được giám sát chặt chẽ bởi các ngân hàng trung ương của các quốc gia. Trong khi đó, rất ít các ngân hàng trung ương sử dụng bạc làm tài sản tiền tệ, dự trữ.
Bổ sung thêm, ông Sachin Patel cho biết trước đây, 2 mặt hàng này luôn có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Bạc cũng được sử dụng như một phiên bản của vàng, nếu vàng tăng giảm 1% thì bạc cũng tăng giảm 2%. Tuy nhiên, thị trường bạc cũng có những diễn biến riêng vì không chỉ là tài sản dự trữ như vàng, bạc có chức năng kép, vừa là tài sản, vừa là nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp.
“Trong năm nay, chúng tôi dự kiến giá vàng cao thì giá bạc cũng cao. Sự thúc đẩy của thị trường bạc được thúc đẩy bởi sự phát triển ngành công nghiệp, tương tự với mặt hàng đồng”, vị này nhận định.
Liên quan đến việc sử dụng hợp đồng kỳ hạn để phòng vệ, vị chuyên gia cho biết điểm mấu chốt với bất kỳ thị trường hàng hóa nào tại Việt Nam là sự tương quan giữa thị trường phái sinh và thị trường các mặt hàng vật chất. Hiếm khi biến động của kinh doanh mặt hàng vật chất tương quan 1:1 với biến động giá của các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn của CME. Vì vậy các nhà đầu tư cần quan sát mối tương quan giữa chi phí, rủi ro và định giá trong thị trường kỳ hạn tiêu chuẩn.