Khoa học công nghệ - động lực 'then chốt' phát huy sức mạnh nông nghiệp
(DNTO) - Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp là nền tảng, động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức mạnh của nền nông nghiệp; góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội và nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
"Trái ngọt" từ khoa học công nghệ
Có thể nói, trong quá trình hội nhập quốc tế với khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức ngày càng rõ hơn vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với sự phát triển toàn diện đất nước.
KH&CN được xác định là đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ trương, đường lối về vai trò của KH&CN đã được cụ thể trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước.
Phát biểu tại cuộc họp "Hội đồng Khoa học và Công nghệ" ngày 16/6, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, kể từ khi áp dụng KH&CN vào sản xuất, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã có những thay đổi sâu sắc và toàn diện. Đời sống và thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện, diện mạo kinh tế - xã hội nông thôn có những thay đổi căn bản.
"Trong những năm qua, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp là nền tảng và động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức mạnh của nền nông nghiệp, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội và nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định.
Cũng theo ông Doanh, cho đến nay, KH&CN và đổi mới sáng tạo đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả vào phát triển nông nghiệp, đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bày tỏ quan điểm của mình, ông Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NN&PTNT cho hay, trong giai đoạn 2013-2020, mặc dù kinh tế thế giới phục hồi chậm, chưa lấy được đà tăng trưởng sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu 2007-2008, tuy nhiên, nhờ ứng dụng KH&CN vào sản xuất nên ngành nông nghiệp đã có những bước "chuyển mình" ấn tượng.
Cụ thể, các thành tựu của KH&CN trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đóng góp 40% giá trị gia tăng nông nghiệp đến năm 2015, và 50% đến năm 2020. Các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng khoảng 15% trong giá trị sản xuất của các sản phẩm chủ yếu đến năm 2015, và 35% đến năm 2020.
Đến năm 2020, trên 60% tổ chức KH&CN công lập có cơ sở vật chất và nguồn nhân lực ngang tầm khu vực, trong đó, một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến của thế giới. Đặc biệt, giai đoạn 2013-2020, mục tiêu phát triển KHCN đã thực sự được Chính phủ coi là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia.
Theo ông Nguyễn Quang Tin – Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, nhờ những đóng góp của KH&CN đối với ngành nông, lâm, thủy sản trong giai đoạn 2013-2020 đã có những tăng trưởng bền vững, ổn định theo hướng tích cực.
Giai đoạn 2013-2016, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt ảnh hưởng của sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, nhưng ngành nông nghiệp vẫn duy trì được tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt 2,55%/năm.
Giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở tiềm lực của giai đoạn trước, mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức nặng nề hơn về dịch bệnh, biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông lâm thủy sản ước đạt 2,71%/năm, vượt mục tiêu đặt ra.
Cả giai đoạn 2013-2020, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt bình quân 2,65%/năm. Riêng năm 2020, GDP nông, lâm, thủy sản tăng 2,68%, trong đó, nông nghiệp đạt 2,55%, lâm nghiệp tăng 2,82%, thủy sản tăng 3,08%. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện.
Vẫn còn nhiều "rào cản" phải đối mặt
Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, các kết quả đạt được của ngành nông nghiệp nhờ có sự đóng góp của KH&CN, thông qua việc khuyến khích phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất. Tuy nhiên, thách thức của lĩnh vực KHCN còn nhiều khó khăn về nguồn lực, cơ sở vật chất và cách quản lý khoa học còn phức tạp.
Cụ thể, sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay vẫn còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ, phương thức sản xuất lạc hậu, kỹ thuật áp dụng không đồng bộ dẫn đến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định.
Không những vậy, công tác bảo quản, chế biến nông sản vẫn còn sơ sài, mang tính tự phát, phân tán trong dân, công nghệ lạc hậu, chất lượng hàng hóa thấp. Đặc biệt, khâu chế biến nông sản còn khá đơn giản, sản phẩm đưa ra thị trường dưới dạng thô, giá trị kinh tế thấp.
Một số loại nông sản mang lại giá trị cao như hồ tiêu, hạt điều, cao su, nhưng lại thiếu các cơ sở chế biến công nghiệp để tăng chất lượng hàng hóa. Chỉ một số ít sản phẩm được chế biến đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Do đó, giá trị kinh tế từ nông nghiệp mang lại cho nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, nhu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng, chuyển giao KHCN vào sản xuất và xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ càng trở nên cấp bách.
Việc ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi người nông dân phải có kiến thức sản xuất và trình độ nhất định. Trong khi đó, hiện nay, lao động trẻ có trình độ văn hóa nhất định dễ tiếp thu các tiến bộ khoa học và công nghệ thì thường ra thành phố làm việc, còn lại lao động nông thôn chủ yếu là người già và phụ nữ lớn tuổi. Chính vì vậy, việc tiếp thu các kiến thức, quy trình công nghệ mới còn hạn chế.
Thị trường tiêu thụ đầu ra của sản phẩm nông nghiệp không ổn định, xu hướng biến động lớn nên người nông dân rất khó khăn trong ứng dụng KHCN vào sản xuất, nhất là sản xuất quy mô hàng hóa.